Hà Nội: Nhiều nghi vấn tại các gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng
Vừa qua, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu có nhận một số thông tin về việc nhiều gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng có dấu hiệu “nâng giá” thiết bị, nhiều mặt hàng có giá cao hơn so với giá thị trường; doanh nghiệp trúng thầu một số gói thầu với chỉ số “siêu” tiết kiệm, giá trúng thầu “sát giá”, “ưu tiên” nhà thầu quen mặt…
Cụ thể, tại gói thầu “mua sắm trang thiết bị phục vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia công nhận mới năm 2019 (Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân; Trường THCS Lê Ngọc Hân; Trường THCS Quỳnh Mai; Trường THCS Tây Sơn)”. Bên mời thầu là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng với giá mời thầu là 26.228.423.700 đồng, giá trúng thầu sát nút là 26.168.672.316 đồng. Như vậy giá trúng thầu chỉ thấp hơn so với dự toán là hơn 59 triệu đồng, tỷ lệ tiết kiệm là 0,22%.
Ngày 27/01/2021, ông Cấn Văn Đa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng đã ký Quyết định số 16/QĐ-PGD&ĐT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu “mua sắm danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020 – 2021 (không bao gồm thiết bị mua sắm tập trung)”, nguồn vốn từ ngân sách Quận. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần H – PEC Việt Nam với giá trúng thầu sát nút là 4.216.915.000 đồng (giá dự toán gói thầu là 4.306.405.000 đồng).
Qua nghiên cứu hồ sơ, phóng viên thấy nhiều vấn đề bất minh trong quá trình thực hiện gói thầu này. Cụ thể, tất cả các danh mục thiết bị dạy học do Công ty cổ phần H-PEC Việt Nam cung cấp cho 19 trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng gồm 66 mặt hàng, trong 66 mặt hàng đó thì có rất nhiều mặt hàng giá thiết bị “nâng giá” gần gấp đôi so với giá thị trường, thậm chí là gấp đôi. Như danh mục số 19: đàn phím điện tử PSR E463 Yamaha (số lượng 8 chiếc), xuất xứ Trung Quốc có giá 12 triệu đồng. Tuy nhiên, mặt hàng này ngoài thị trường cùng một mã hàng, xuất xứ và các đặc tính kỹ thuật thì giá chỉ khoảng 6,8 triệu đến 7 triệu đồng. Như vậy, so với giá thị trường thì giá trúng thầu mặt hàng trên đã “nâng giá” gần gấp đôi. Hay tại quận Long Biên, cùng một sản phẩm đàn phím điện tử PSR E463 Yamaha, ngày 24/6/2020, Công ty cổ phần công nghệ máy tính Việt Nam trúng Gói thầu số 14: cung cấp, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin cho trường THCS Ngọc Thụy cũng chỉ có giá hơn 9,5 triệu đồng.
Tiếp đến là thiết bị âm thanh PS-300/HPEC (số lượng 11 bộ), xuất xứ Trung Quốc, giá ngoài thị trường khoảng 6 triệu đồng nhưng Công ty cổ phần H – PEC Việt Nam trúng thầu với giá 12 triệu đồng; loa cầm tay nhãn hiệu Toa ER – 1215 (số lượng 23 chiếc), xuất xứ Indonesia trúng thầu với giá 1,9 triệu đồng (trong khi đó ngoài thị trường có giá khoảng hơn 1,2 triẹu đồng); Đầu DVD DVP-SR760/Sony (19 chiếc), xuất xứ Trung Quốc giá trúng thầu 1,6 triệu đồng (giá ngoài thị trường là gần 1,4 triệu đồng); bộ sa bàn giáo dục giao thông (số lượng 813 bộ) giá trúng thầu lên tới 600 nghìn đồng, trong khi giá thị trường chỉ khoảng 300 nghìn đồng (“nâng giá” gấp đôi so với giá thị trường)…
Như vậy, mới chỉ tạm tính qua 5 mặt hàng chênh lệch về giá như trên, cùng với số lượng trúng thầu, nhà nước đã thất thoát khoảng 421.060.000 đồng.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Nhưng, trong hồ sơ mời thầu của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, mặc dù không yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa mà cũng chỉ mô tả thông số kỹ thuật theo như quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia các đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, bên mời thầu lại áp nguyên xi thông số của hãng cụ thể. Điều này đã trực tiếp cản trở tính cạnh tranh của các hãng sản xuất không được bên mời thầu đưa vào hồ sơ mời thầu. Ví dụ, đối với mặt hàng danh mục mời thầu số 19: đàn phím điện tử, hồ sơ mời thầu đã “bê nguyên” thông số kỹ thuật, tính năng của đàn phím điện tử PSR E463 Yamaha mà các trang thương mại điện tử hay các cửa hàng bán nhạc cụ đăng tải. Như vậy, chỉ bằng một cú nhấp chuột, tìm kiếm từ khoá đầu tiên thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu thì ai cũng có thể biết mặt hàng đó có nhãn hiệu là gì, xuất xứ ở đâu.
Vẫn biết giá các mặt hàng bán lẻ ngoài thị trường sẽ có những điểm khác so với giá đơn vị chào thầu như bên chào thầu còn phải đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ; hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, phí, bảo hành, bảo dưỡng… tuy nhiên, cùng một mặt hàng, cùng model nhưng trong gói thầu trên đơn vị trúng thầu lại cung cấp các thiết bị có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Từ đó làm dấy lên những hoài nghi về tính minh bạch, có hay không việc bắt tay? “nâng giá” thiết bị trong quá trình đấu thầu? làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Được biết, trong mấy năm trở lại đây, Công ty cổ phần H – PEC Việt Nam đã tham gia 7 gói thầu do phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng mời thầu và đã trúng cả 7 gói. Ví dụ: gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ xây dựng 03 trường chuẩn quốc gia công nhận lại năm 2020 (trường THCS Đoàn Kết; THCS Vân Hồ; THCS Hai Bà Trưng), giá trúng thầu: 12.315.310.000 đồng (giá dự toán: 12.445.579.000, tiết kiệm 130.269.000 đồng).
Hay tại gói thầu: mua sắm trang thiết bị phục vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2020, trường công nhận mới (Trường Mầm non Hoa Phượng) và trường công nhận lại (trường Tiểu học Tô Hoàng; Trường mầm non Lê Đại Hành; Trường mầm non Lạc Trung; Trường mầm non Việt Bun). Giá trúng thầu 22.920.775.000 đồng, giá dự toán 22.983.896.114 đồng, tiết kiệm 63.121.114 đồng…
Qua đó có thể thấy những nghi vấn về các gói thầu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng mà bạn đọc phản ánh là hoàn toàn có cơ sở và theo tìm hiểu của phóng viên về việc “ưu tiên” nhà thầu quen mặt, doanh nghiệp trúng thầu với chỉ số “siêu” tiết kiệm, “nâng giá” thiết bị để rút ruột ngân sách Nhà nước đã và đang xảy ra khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.
Để tìm câu trả lời cho những vấn đề trên phóng viên đã đặt lịch với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng cách đây vài tháng, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Để công tác đấu thầu được triển khai đúng quy định của pháp luật, tiền ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả, minh bạch, đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc thanh, kiểm tra quá trình triển khai đấu thầu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng. Trong trường hợp cần thiết, cần xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật (nếu có) và kết quả kiểm tra thế nào sẽ được chúng tôi theo dõi và tiếp tục thông tin./.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu