Hà Nội nghiên cứu phát triển đô thị hai bên trục Vành đai 4
Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (khóa XVII) mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.
Đáng chú ý, thành phố sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4 để khai thác hiệu quả giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực phát triển các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.
Được biết, dự án Đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8km, với điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021 – 2028. Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó qua Hà Nội có 58,2km qua 7 huyện; Hưng Yên 19km; Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7km.
Mục tiêu khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Mặt khác, dự án còn là tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế đô thị và nông thon khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia vấn đề phát triển đô thị hai bên Vành đai 4 cần được tính toán cẩn thận, tránh để bị lợi dụng thổi giá, phân lô bán nền, lãng phí nguồn lực đất đai.
Chia sẻ với phóng viên, một vị kiến trúc sư cho biết, với quỹ đất rất lớn, đô thị hai bên Vành đai 4 sẽ là cơ sở để thực hiện hóa giấc mơ đô thị xanh, đô thị thông minh cho Vùng Thủ đô. Các bản quy hoạch cần được nghiên cứu và mật độ xây dựng không được quá lớn, ưu tiên phát triển các dự án xanh, thông minh.
Ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc EZ Property cũng nhìn nhận, việc phát triển đô thị ven Vành đai 4 cần được tính toán cẩn thận, không để biến thành quỹ đất cho nhà đầu cơ phân lô bán nền.
Trong khi đó, một số quan ngại cũng tập trung vào việc khi có nghiên cứu quy hoạch cần được công khai minh bạch để tránh việc “đầu cơ” gom đất chờ dự án, các cơn sốt đất sẽ xảy ra gây bất ổn kinh tế xã hội ở địa phương.
Thực tế bởi thời gian gần đây, khi dự án đường Vành đai 4 vừa được chốt phương án đầu tư, trên trang về mua bán bất động sản liên tục đăng bài quảng cáo về dự án nhà liền kề, biệt thự “ăn theo” đường Vành đai 4 với nội dung như : “Dự án tọa lạc tại giao lộ Vành đai 4 và đường Tố Hữu – trục giao thông chính phía Tây Nam Hà Nội…”. Thị trường đất nền ven dự án này cũng ăn theo và bị đẩy giá 3 – 40%.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, việc các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để tạo sự bùng nổ về giá đất, tạo “sóng” thị trường là không thể tránh khỏi. Do đó, bất kể các thông tin từ nghiên cứu, chốt phương án đều phải được công khai minh bạch, địa phương trong khu vực ảnh hưởng cần quan sát và đưa ra giải pháp kịp thời chặn các cơn sốt giá./.