Hà Nội muốn đưa Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn lên thành phố

Hà Nội muốn đưa Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn lên thành phố

MTĐT –  Thứ tư, 06/10/2021 15:44 (GMT+7)

Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố.

Báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, UBND TP.Hà Nội cho biết, sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP.Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Hà Nội sẽ hoàn thành việc rà soát, tổng hợp quy hoạch để trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc rà soát, đánh giá các quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt trong giai đoạn trước, tổ chức lập 14 quy hoạch vùng huyện, quy hoạch các khu chức năng.

tm-img-alt

Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố. (Ảnh:Internet)

Tờ trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của UBND TP Hà Nội nêu một trong những định hướng 5 năm tới là nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố.

Ngoài ra, giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực dự kiến trở thành quận như Thanh Oai, Mê Linh, Thường Tín.

Chính quyền thủ đô cũng sẽ hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang khu vực hai bên tuyến đường giao thông…

Trước đó, hôm 20/9 Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về phát triển kinh tế xã hội và đầu tư trung hạn 5 năm tới, nêu định hướng phát triển ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh gắn với lợi thế Cảng hàng không Nội Bài.

Nếu định hướng trên được thực hiện, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ là những huyện đầu tiên của thủ đô trở thành thành phố. Trước đó (năm 2008) khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Hà Tây (cũ) có hai thành phố trực thuộc là TP Hà Đông và Sơn Tây, tuy nhiên sau đó hai thành phố này đã chuyển xuống thành thị xã. Hiện Hà Đông lên quận, Sơn Tây vẫn là thị xã.

Đơn vị hành chính muốn trở thành thành phố thuộc cấp tỉnh phải có quy mô dân số 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiện 150 km2 trở lên; có 10 xã trực thuộc trở lên; đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3; đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế – xã hội.

Các huyện được đề xuất lên thành phố ở Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc. Trong đó, Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, 23 xã, một thị trấn trực thuộc; Sóc Sơn có diện tích hơn 300 km2, dân số khoảng 350.000 người, có một thị trấn và 25 xã; Mê Linh diện tích hơn 140 km, dân số khoảng 230.000 người, 2 thị trấn và 16 xã.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông.

Đưa vào khai thác sử dụng các dự án như Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (H.Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa (H.Sóc Sơn).

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm (trục tây Thăng Long, các tuyến vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, vành đai 2 đoạn Mai Động – Ngã Tư Vọng, vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Giải Phóng, vành đai 4…).

Đối với hệ thống giao thông, UBND TP.Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Khởi công 1 tuyến, đưa vào vận hành 2 – 3 tuyến đường sắt đô thị. Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh. Nâng tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị lên 12 – 15% diện tích đất đô thị.

Về kế hoạch xây dựng nhà ở, Hà Nội phấn đấu diện tích nhà ở đạt 29,5 m2 sàn/người vào năm 2025. Chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, 2 dự án nhà ở công nhân.

Đồng thời, sử dụng tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cải tạo, xây dựng lại 2 – 3 khu chung cư cũ. Triển khai đầu tư xây dựng 2 – 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.

Hà Nội cũng sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 5 công viên, vườn hoa. Trồng mới 3,5 triệu cây xanh, trong đó 500.000 cây xanh đô thị.

Đối với hệ thống chiếu sáng công cộng, Hà Nội cũng sẽ đầu tư thay thế đèn LED công cộng; hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ. Bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý đô thị.

Cuối cùng, Hà Nội tiếp tục đầu tư phát triển mạng cấp nước và một số nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8 – 2,0 triệu m3/ngày đêm.

Hoài Thu (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích