Hà Nội: Lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050
Hà Nội: Lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050
Theo dõi MTĐT trên
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội (Bên mời thầu) đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050, với tổng dự toán 130,57 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố.
Gói thầu số 3 Tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (giá dự toán 119,345 tỷ đồng) đang được đấu thầu rộng rãi qua mạng, dự kiến mở thầu ngày 17/3/2023.
UBND TP. Hà Nội cho biết, Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố. Phạm vi quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội, có tính tới mối liên hệ phát triển Vùng Thủ đô và Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 313/QĐ-TTg, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, giao UBND TP.Hà Nội là đơn vị tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước 31/12/2022
Quyết định 313/QĐ-TTg cho biết, phạm vi quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2, phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên – Vĩnh Phúc; Phía Nam và Tây Nam giáp với các tỉnh Hà Nam – Hòa Bình; Phía Đông giáp với tỉnh Bắc Giang- Bắc Ninh – Hưng Yên; Phía Tây – Tây Bắc giáp với tỉnh Hòa Bình – Phú Thọ.
Tại quyết định trên, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thủ đô Hà Nội. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố;
Tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin;
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến;
Phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cũng theo quyết định 313/QĐ-TTg, thì mục tiêu lập quy hoạch là đề xuất được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế – xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực: Xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước;
Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố.
Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31/ 12 / 2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Hà Nội triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị