Hà Nội lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số tới từng người dân
Dẫn đầu trong chuyển đổi số với Đề án 06
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thủ đô. Trong đó, Hà Nội xứng đáng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai Đề án 06.
Cụ thể, toàn Thành phố đã thu nhận và được phê duyệt cấp tài khoản định danh mức 1 và mức 2 là 6.369.117 trường hợp (đạt 106,4%), đã kích hoạt 5.584.946 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,3%). Việc xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung, làm sạch dữ liệu dân cư, các nhóm dữ liệu, đảm bảo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.
Người dân được hỗ trợ làm thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa. |
Để hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế, nhằm bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân.
Trên cơ sở kết quả chuẩn hóa mã số thuế cá nhân theo Đề án 06, Cục Thuế Hà Nội đã định danh thông tin được 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử; 668 chủ thể kinh doanh sản phẩm, nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về định danh các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu kê khai, số thuế đã nộp, tài khoản ngân hàng… của trên 366.857 shop, tương ứng 197.848 mã số thuế.
Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip tích hợp Bảo hiểm Y tế trong khám chữa bệnh. Đã có trên 7 triệu người có thẻ Bảo hiểm Y tế trên địa bàn thành phố được đồng bộ dữ liệu, sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh. Tính đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp đón hơn 4,6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ Bảo hiểm Y tế.
iHanoi – khám phá Hà Nội qua môi trường số
Chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 28/6, tính tới 1/8, Hà Nội đã tổ chức cấp, tạo tài khoản cho công chức, viên chức tại 61/61 cơ quan, đơn vị (30 quận, huyện, thị xã và 31 sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc) nhằm tham gia tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị hiện trường trên iHanoi.
Người dân có thể nêu phản ánh, kiến nghị, theo dõi tình hình giao thông, các di tích lịch sử, trường học… trên ứng dụng iHanoi. |
Chỉ sau 3 tháng hoạt động, iHanoi đã tiếp nhận hơn 12.000 phản ánh, kiến nghị của người dân. Qua đó, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 9.500 phản ánh (đạt gần 80%). Tỷ lệ người dân đánh giá hài lòng, chấp nhận đối với kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị chiếm 60%.
Nếu như trước kia, phản ánh của người dân nhiều khi chưa được xử lý triệt để, thì từ khi có ứng dụng iHanoi, các phản ánh được quan tâm và xử lý kịp thời. Trong đó, chức năng “Hanoi Connect” của iHanoi giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng qua: Phản ánh hiện trường, phản ánh thủ tục hành chính.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND Thành phố, người dân có thể cùng các cơ quan chức năng khác theo dõi, giám sát đến cùng những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đây là ưu thế, mặt tích cực mà chuyển đổi số đã và đang đem lại để góp phần cùng nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền cũng như đời sống của người dân.
Không chỉ vậy, từ ứng dụng iHanoi, người dân có thể dễ dàng theo dõi tình hình giao thông, cập nhật các trường học, bản đồ du lịch, di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô qua một “chạm”,…
Anh Trần Văn Minh, cư dân quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Tôi đã sử dụng iHanoi từ khi ứng dụng này mới ra mắt. Trước đây, mỗi lần có thắc mắc hay kiến nghị về dịch vụ công, tôi phải đến trực tiếp cơ quan chức năng hoặc gọi điện, rất mất thời gian. Giờ đây, với iHanoi, tôi chỉ cần vài bước đơn giản là có thể gửi phản ánh và nhận được phản hồi nhanh chóng. Tôi cảm thấy rất hài lòng với sự tiện lợi mà ứng dụng mang lại”.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Cuối tháng 9/2023, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hàng triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt. Điều này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, đến nay, mô hình được nhân rộng ra nhiều quận, huyện, qua đó đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Sau khi được triển khai tại các cửa hàng kinh doanh, thanh toán không tiền mặt cũng dần được đưa vào các chợ truyền thống. Chính quyền địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông khai trương các mô hình “chợ thông minh 4.0” tại hàng loạt các chợ trên địa bàn quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Các lực lượng tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đăng ký đảm nhiệm mô hình tuyến phố không dùng tiền mặt. |
Không chỉ ở lĩnh vực mua bán, thanh toán không tiền mặt còn được triển khai ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục,… và đều nhận được sự hưởng ứng của người dân. Điều này cho thấy sự quyết liệt của Thành phố trong chuyển đổi số, giúp đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Việc chi trả đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội cũng được đẩy mạnh không sử dụng tiền mặt. Với 291.850 đối tượng thuộc diện nói trên, hiện đã có tới hơn 93% được mở tài khoản.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh việc thanh toán không tiền mặt đối với các điểm trông giữ xe. Tính đến ngày 20/9, đã có tổng số 102 điểm thuộc 8/30 quận thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt, qua đó có 554.121 lượt giao dịch với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại Bộ phận Một cửa của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để cung cấp chữ ký số và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho người dân khi tham gia dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.
Tính đến nay, 13.285 chữ ký số đã được cấp cho cán bộ, công chức của Thành phố; gần 50.000 chữ ký số đã được cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử tại các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần xây dựng công dân số hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn Thủ đô.
Từ những hoạt động cụ thể mà Hà Nội đã và đang triển khai, cùng với đó là những kết quả tích cực, có thể khẳng định, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu các cấp chính quyền cần đẩy mạnh phát triển 4 sẵn sàng tới từng người dân nhằm lan tỏa sâu rộng hơn nữa quá trình chuyển đổi số. Cụ thể là: Điện thoại sẵn sàng kết nối mạng, tích hợp VNeID và iHanoi; định danh điện tử và đăng ký tài khoản ngân hàng; sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ và an toàn thông tin; sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới sáng tạo.
Nguồn: Báo lao động thủ đô