Hà Nội: Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát

Tuyên truyền tới từng hộ gia đình

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có xu hướng tăng. Riêng tại quận Tây Hồ đã có trên 100 ca mắc sốt xuất huyết với 14 ổ dịch sốt xuất huyết của 8/8 phường trên địa bàn. Ngày 27/9, quận đã tổ chức lễ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2022.

Bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, xác định là địa bàn có nguy cơ cao của thành phố về dịch bệnh sốt xuất huyết, Tây Hồ đã xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án chủ động phòng, chống sốt xuất huyết giai đoạn 2022-2025. Cùng với đó, huy động nhân lực tại chỗ để triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn quận chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết; đồng thời số ca mắc bệnh trên 100.000 dân cũng đã giảm.

Hà Nội: Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát
Quận Tây Hồ phát động chiến dịch tổng vệ sinh môi trường để diệt muỗi, bọ gậy. Ảnh: (TT)

Tuy nhiên, theo dự báo tính hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, theo bà Bùi Thị Lan Phương, từ tháng 9 đến hết tháng 10, quận tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, chủ động diệt muỗi, bọ gậy tại 8/8 phường. Chiến dịch này sẽ thực hiện tổng vệ sinh môi trường đồng loạt và triệt để ở 100% các phường, các cơ quan đơn vị, xí nghiệp, trường học, công trình công cộng, công trường xây dựng.

Ông Thẩm Ngọc Trung, Phó trưởng Phòng Y tế quận Tây Hồ cho biết, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết mỗi người dân hãy vì bản thân, gia đình và cộng đồng làm sạch khu vực sinh sống, loại bỏ các vật dụng còn đọng nước, đồng thời lật úp các vật dụng chứa nước không dùng đến… để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đây là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của quận Tây Hồ cũng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đôn đốc việc thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy của các phường và các cơ quan đơn vị, xí nghiệp trên địa bàn. Riêng Trung tâm Y tế quận được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ các chỉ số véc tơ truyền bệnh để chủ động triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực nguy cơ.

Huyện Thường Tín cũng là một trong những địa phương có ca mắc sốt xuất huyết cao trong những tuần gần đây. Hiện nay, toàn huyện có tổng số 242 ca ở 16 ổ dịch tại 11 xã, trong đó có 7 ổ dịch đã kết thúc. Xã Khánh Hà là địa phương có số ca mắc cao nhất với 78 ca.

Nhằm ngăn chặn không để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn, huyện Thường Tín và đang triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch sốt xuất huyết với các tình huống cụ thể, nhằm triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, bao gồm các tình huống: Chưa có dịch trên quy mô xã, thị trấn, trong đó có tình huống khi chưa có bệnh nhân, khi có bệnh nhân nhưng chưa có ổ dịch, khi xuất hiện ổ dịch; có dịch trên quy mô xã, thị trấn; dịch bùng phát, lan rộng ra cộng đồng.

Hà Nội: Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát
Tại huyện Thường Tín, 1.280 đội xung kích diệt bọ gậy và các hội, đoàn thể của 29 xã, thị trấn thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các điểm có nguy cơ cao. (Ảnh: TT)

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch theo các xã, thị trấn được phân công phụ trách để chỉ đạo kịp thời.

Trung tâm Y tế huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo từng dấu hiệu cụ thể của dịch; đảm bảo trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch đầy đủ, kịp thời, phát hiện nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Đồng thời, kiện toàn đội đáp ứng nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bố trí đầy đủ nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, công tác giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh được phân cấp và tại cộng đồng để khoang vùng xử lý kịp thời.

Song song với đó, chỉ đạo cán bộ được phân công phụ trách các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với trạm y tế kiểm tra, rà soát, xử lý triệt để các ổ bọ gậy tại những khu vực có nguy cơ cao, khu vực công cộng, khu dân cư. Bệnh viện Đa khoa huyện cũng đang thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân… hạn chế các trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra. Bên cạnh đó, 1.280 đội xung kích diệt bọ gậy và các hội, đoàn thể của 29 xã, thị trấn thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các điểm có nguy cơ cao.

Kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch

Theo Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đang tăng nhanh trong những tuần gần đây. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 10 ổ dịch đang hoạt động tại các xã: Thanh Liệt; Hữu Hoà; Tam Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển. Đặc biệt, tại ổ dịch tại thôn Vực, xã Thanh Liệt là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện, đây là ổ dịch kéo dài và phức tạp nhất. Để kiểm soát dịch bệnh, xã Thanh Liệt đã triển khai 4 đợt vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại khu vực ổ dịch gồm 530 hộ gia đình. Qua đó, xử lý 3.598 dụng cụ chứa nước, trong đó có 98 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Hà Nội: Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát
Tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, đội ngũ cộng tác viên cùng với nhân viên y tế đã đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn gia đình có bệnh nhân cách phòng, chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước… (Ảnh: TT)

Ngoài ra, Trạm Y tế xã cũng phối hợp với chính quyền tổ chức 3 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực ổ dịch. Cùng với đó, xã đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết qua nhiều hình thức. Đội ngũ cộng tác viên cùng với nhân viên y tế đã đến từng hộ gia đình phát tờ rơi, hướng dẫn gia đình có bệnh nhân cách phòng chống muỗi đốt, vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước… Tại khu vực ổ dịch, đã phát 520 tờ rơi tuyên truyền về cách phòng, chống sốt xuất huyết. Ngoài ra, sử dụng loa di động phát thanh tuyên truyền, thông báo tình hình ca bệnh và thông báo về việc phun hóa chất xử lý ổ dịch.

Nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, bởi hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, đây là thời điểm thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển. Để hạn chế tình trạng này, huyện Thanh Trì đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong việc ngăn ngừa phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Theo đó, huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tập trung giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh sốt xuất huyết, nhất là khi thời tiết thay đổi; chú trọng giám sát bệnh nhân khi có biểu hiện của sốt xuất huyết; mở rộng điểm giám sát các chỉ số muỗi, bọ gậy trước và sau khi tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; hướng dẫn các đơn vị y tế thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư; chủ động xây dựng kế hoạch diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình; củng cố, kiện toàn lại các đội chống dịch cơ động chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư bảo đảm công tác phòng, chống khi có dịch xảy ra.

Tương tự, tại quận Long Biên, trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương cùng đại diện lãnh đạo các Phòng Y tế, Văn hóa thông tin và Trung tâm Y tế quận đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số phường trên địa bàn.

Theo Trung tâm Y tế quận Long Biên, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn quận có 1.102 ca mắc, phân bố rải rác trên địa bàn 14 phường. Một số phường có nhiều ca mắc như: Sài Đồng, Phúc Đồng, Bồ Đề, Long Biên, Phúc Lợi, Đức Giang… Số ca mắc sốt xuất huyết hiện tại cao hơn số ca mắc trung bình 3 năm (2019-2021), 5 ổ dịch còn đang hoạt động. Tình hình dịch đang ở tình huống 2 “có dịch quy mô phường” (trừ Ngọc Thụy, Gia Thụy, Việt Hưng).

Hà Nội: Kiên quyết khống chế, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương nhắc nhở người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: TT)

Ghi nhận tại phường Sài Đồng, lực lượng y tế đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi đối với các khu vực có nguy cơ cao đồng thời yêu cầu người dân tổng vệ sinh nhà cửa, xóm ngõ. Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm không được chủ quan, tự điều trị tại nhà để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.

Theo Chủ tịch phường Sài Đồng Vũ Tiến Hưng, phường đã kích hoạt 70 tổ xung kích diệt bọ gậy, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa đựng nước”; yêu cầu lãnh đạo phường sát sao, kịp thời “bắt tay” cùng các cán bộ tổ dân phố thực hiện các biện pháp liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Tại phường Long Biên, từ 7h sáng, các tổ phòng dịch cộng đồng cũng đã đến từng nhà người dân tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào dịch sốt xuất huyết để tránh nguy cơ dịch chồng dịch. Theo anh Nguyễn Quốc Lập, ở Tổ dân phố 14 cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được cán bộ tổ dân phố và các tình nguyện viên tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, cứ sáng thứ 7 hàng tuần, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi nên gia đình tiến hành tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm, lật úp các dụng cụ, đồ dùng có chứa nước… đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình cũng như hàng xóm xung quanh”.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương đặc biệt lưu ý, trong những ngày gần đây, tình hình dịch Covid-19 cũng như dịch sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết có số ca mắc tăng.

Vì vậy, các phường phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thành phố, của quận tại các văn bản và các cuộc họp, quyết tâm không để các loại dịch bệnh bùng phát trên địa bàn. Bên cạnh đó, các phường cần tập trung, tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, đặc biệt là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường công tác kiểm tra rà soát, phát hiện, vận động, yêu cầu từng người dân chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế tích cực, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào các nội dung: Tổ chức duy trì thường xuyên chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy hằng ngày, hằng tuần; triển khai phun hóa chất tại nơi có ổ dịch, có bệnh nhân sốt xuất huyết hoặc khu vực đến khi hết nguy cơ bùng phát dịch bệnh; xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hà Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích