Hà Nội kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về kiểm tra hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 tại cơ quan hành chính nhà nước của thành phố năm 2023. Thời gian thực hiện kiểm tra từ tháng 5 đến tháng 10/2023.

Theo đó, có 2 hình thức kiểm tra, gồm: Kiểm tra trực tiếp tại trụ sở các cơ quan, đơn vị; kiểm tra qua hồ sơ, báo cáo. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của thành phố. Đặc biệt, kịp thời đề xuất khắc phục những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các biện pháp xử lý cụ thể…

Trong đó, nội dung kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, gồm: Phạm vi áp dụng bao gồm toàn bộ hoạt động liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan; hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu, quy trình giải quyết công việc cho toàn bộ cán bộ, công chức trong phạm vi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; sự tuân thủ của cơ quan đối với tất cả yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, chính sách, mục tiêu, quy trình, thủ tục, các quy định có liên quan khác và các yêu cầu pháp luật liên quan.

 Hiện nay, ISO 9001:2015 đã được áp dụng tại nhiều cơ quan hành chính. Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, kiểm tra việc thực hiện các quá trình giải quyết công việc và quá trình được xác định trong hệ thống quản lý chất lượng; hoạt động xem xét của lãnh đạo và hoạt động đánh giá nội bộ, thực hiện hành động khắc phục các điểm không phù hợp; hoạt động xử lý các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; hoạt động cải tiến trong hệ thống quản lý chất lượng.

Đối với kiểm tra việc tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Việc bảo đảm sự tham gia của lãnh đạo, các đơn vị và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; việc người đứng đầu cơ quan xác nhận hiệu lực của hệ thống quản lý chất lượng; việc công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 và thông báo bằng văn bản đến Sở Khoa học và Công nghệ để theo dõi, tổng hợp; niêm yết tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan.

Kiểm tra việc cập nhật các thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào hệ thống quản lý chất lượng; việc công bố lại khi có sự điều chỉnh, mở rộng, thu hẹp phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; việc lựa chọn tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn độc lập (nếu có).

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích