Hà Nội: Hàng vạn công nhân thiếu nhà ở

Đãi ngộ về nhà ở công nhân hiện chưa tương xứng, thiếu sự quan tâm đúng mức. Hà Nội mới chỉ có 3 khu công nghiệp (KCN) có nhà ở cho công nhân.

ha noi hang van cong nhan thieu nha o
Khu nhà ở cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội

Những ngày này tại khu nhà ở công nhân gần KCN Bắc Thăng Long vắng lặng hơn bình thường. Nhiều công nhân đã về quê do một số nhà máy giảm công suất. Việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ khiến khu vực vốn nhộn nhịp, sầm uất nay thưa vắng hẳn.

Bà Lụa (bán tạp hóa trên đường Cổng Si, thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cho biết, hai con bà đều là công nhân trong KCN Bắc Thăng Long. “Đầu năm, vợ chồng con trai cả dọn từ nhà ở công nhân ra thuê căn nhà mặt tiền này. Hai đứa đón tôi lên để vừa giúp trông cháu và bán hàng tạp hóa để có đồng ra đồng vào”, bà Lụa nói.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 ập đến khiến kế hoạch thay đổi, các con bà chỉ làm 50% nhận lương một nửa, cửa hàng tạp hóa đóng cửa gần 2 tháng. Thu nhập giảm, thu nhập bán quán không có, về quê cũng không được, cả nhà đang phải gồng mình trả tiền sinh hoạt, tiền phòng trọ. Bà Lụa cùng các con lại đang loay hoay tìm nơi trọ mới rẻ hơn.

Chị Phương, công nhân nhà máy Canon, cho biết, công ty đã thuê cả tòa nhà làm ký túc xá cho công nhân. Mỗi tháng, công nhân chỉ phải đóng 40.000 đồng cho mọi chi phí. Chị Phương nhìn nhận đây là hỗ trợ rất tốt đối với công nhân. Tuy nhiên, việc ở chung 8 người một phòng phát sinh nhiều bất cập khiến chị phải dọn ra ngoài. “Nói là cùng công ty nhưng 8 người trong phòng hầu như không ai biết ai, vì mỗi người một phân xưởng chọn phòng ngẫu nhiên. Sinh hoạt chung đã nhiều bức xúc chưa kể mất trộm, mất cắp xảy ra liên tục”, chị Phương nói.

Ngoài sống trong ký túc xá do công ty bố trí, công nhân còn có lựa chọn khác là thuê nhà ở công nhân tại các tòa nhà phục vụ công nhân trong khu. Giá thuê mỗi căn hộ khoảng 0,8 – 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên theo phản ánh, các tòa nhà này thường xuyên kín chỗ, khó có thể xin vào. Giải pháp là ra thuê trọ bên ngoài.

Tại KCN Quang Minh (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh), hàng chục nghìn công nhân tại đây vẫn chưa có nhà ở cho công nhân. Họ chỉ có thể thuê trọ ở các nhà dân quanh thị trấn hoặc về khu công nhân gần KCN Bắc Thăng Long để thuê ở.

Nhiều KCN mòn mỏi đợi nhà ở

Theo Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, Hà Nội hiện có 9 KCN đang hoạt động với khoảng 160.000 lao động, trong đó mới chỉ có 3 KCN có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu sinh sống của công nhân. Đó là KCN Thăng Long (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và KCN Thạch Thất – Quốc Oai.

Đại diện UBND thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, đầu năm, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở công nhân KCN Quang Minh. Dự kiến khu nhà ở sẽ được xây dựng tại thị trấn Chi Đông và xã Kim Hoa, quy mô khoảng 25ha. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Bà Lê Thị Vân Huyền, Chủ tịch UBND xã Kim Chung, thông tin: “Hiện xã có 29.000 nhân khẩu, trong đó đã có trên 16.000 công nhân tạm trú”. Số lượng công nhân đông, địa phương đã sớm xây dựng các trường mầm non, trường tiểu học, THCS, PTTH để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân.

Riêng cấp mầm non, xã đã bố trí địa điểm xây dựng 2 trường mầm non riêng cho con em công nhân. Xã còn có một trung tâm dạy nghề chủ yếu đào tạo người trẻ có cơ hội được nhận việc làm ngay tại các KCN. Tuy vậy, vẫn có một số vấn đề công nhân bức xúc nhưng chưa thể xử lý ngay, như đường nước thải, đường đi hư hỏng, xuống cấp.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội (Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội), cho biết, đơn vị đang quản lý 28 tòa nhà với hơn 1 vạn chỗ ở. Chung cư cho công nhân có 2 dạng là 1 tầng khép kín và 1 phòng khép kín, cơ bản các tòa nhà đều được lấp đầy.

Vừa qua, hàng chục công nhân tại tòa CT1A gửi đơn đến Xí nghiệp đề nghị được miễn giảm tiền thuê trong thời điểm dịch bệnh khó khăn. Xí nghiệp đã có văn bản gửi lên công ty để tổng hợp xin ý kiến các cơ quan chức năng.

Đại diện đơn vị cũng đề xuất về việc các tòa nhà sau 10 năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp như: phòng thấm dột, nước thải tắc, chưa đấu nối ra hệ thống cống chung… Xí nghiệp đã đề nghị nhiều lần nhưng do phải chờ phê duyệt từ cơ quan chức năng nên vẫn chưa được khắc phục kịp thời. “Nếu giải quyết được các thủ tục sớm ngày nào thì công nhân bớt khổ ngày đó”, vị đại diện Xí nghiệp cho hay.

Mới đây, Bộ Xây dựng có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân tại KCN. Hiện nay, Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân KCN. Theo pháp luật nhà ở hiện hành, chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong KCN đang được lồng ghép với nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân KCN. Cụ thể, khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, các địa phương phải bố trí diện tích đất phù hợp để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.

Bộ Xây dựng cho rằng, quy định về lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở cho công nhân KCN còn nhiều bất cập. Nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng ưu đãi vay để mua, thuê nhà ở xã hội (trong đó có công nhân KCN) vẫn còn thiếu. Bộ Xây dựng đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích