Hà Nội: Hàng trăm cây xanh đang sống trong “gông cùm”
(Xây dựng) – Hàng trăm cây xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ đang bị các “gông sắt” siết chặt làm biến dạng thân, có cây bị đóng đinh, mắc đèn, treo đồ… gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới sự phát triển của cây xanh đô thị.
Các vòng sắt siết chặt vào thân cây khiến thân biến dạng và ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. |
Giai đoạn 2016 -2020, nhằm thưc hiện chiến dịch phủ xanh đô thị, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới một triệu cây xanh trên dải phân cách và các tuyến đường. Đến cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới một triệu cây xanh.
Ban đầu, những cây mới trồng được cố định bằng giá đỡ thép hoặc gỗ giúp cây phát triển theo chiều thẳng đứng và tránh đổ gẫy do thời tiết. Sau 5 năm, cây đã phát triển ổn định và có thể tự đứng vững. Tuy nhiên, các giá đỡ, vòng sắt bao quanh thân cây lại không được điều chỉnh, tháo dỡ khiến thân cây biến dạng và ảnh hưởng đến sự phát triển triển, sinh trưởng của cây.
Những đinh sắt to được đóng sâu vào thân cây để làm móc treo. |
Tình trạng trên diễn ra tại nhiều tuyến đường được thay thế cây xanh, như: Phạm Văn Đồng, Láng Hạ, Trần Khát Chân, Xã Đàn, Võ Chí Công… Không khó để bắt gặp trên nhiều tuyến phố, cây xanh bị xâm phạm phục vụ cho nhiều nhu cầu của người dân như: Treo các đèn trang trí, đinh sắt, biển quảng cáo…
Hàng loạt gốc cây xanh cổ thụ trên đường Đê La Thành bị phủ kín gốc bằng bê tông. |
Một số tuyến phố thì gốc của cây xanh lại bị đổ bê tông kín mít, điển hình như trên các tuyến phố: Đê La Thành (Đống Đa), Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Sơn Tây (Ba Đình)… Được biết, hiện tượng này xảy ra là do một số người dân tự ý san lấp để phục vụ mục đích kinh doanh hoặc để không gian trước cửa nhà sạch sẽ hơn. Việc làm này vô tình đã khiến những gốc cây bị cản trở trong quá trình chăm sóc, tưới tắm, thậm chí bị yếu đi, không có độ bám đất; tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bật gốc, gẫy đổ khi có mưa to, gió lớn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia: Cây xanh có tán đủ lớn để che được bức xạ mặt trời, ước tính trung bình có thể ngăn tới 80% lượng bức xạ mặt trời truyền tới. Các bề mặt này không bị nung nóng sẽ không tỏa nhiệt trở lại môi trường, làm cho nhiệt độ không khí xung quanh môi trường và dưới gốc cây sẽ ở mức vừa phải. Vì vậy, tình trạng đóng đinh trên cây xanh như thế này sẽ làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây. Khiến cây xanh không phát huy được vai trò của mình đối với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Dây điện, bóng đèn trang trí quấn từ gốc cây lên đến giữa thân. |
Trước tình trạng trên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Hà Nội đã có quy hoạch về công viên cây xanh, năm 2016 đã xác định rõ các loại cây ưu tiên trồng trên vỉa hè và các loại cây không nên trồng. Như vậy về định hướng khung pháp lý chúng ta có nhưng trong thực tiễn về quản lý cây xanh còn những tồn tại như cấu trúc trồng cây xanh. Và đặc biệt khi trồng mới cây xanh, người ta lại làm ra các khung bảo vệ cây, chống nghiêng ngả, đổ. Đây là một giải pháp thích hợp khi mới trồng cây, nhưng khi cây đã ổn định phải có chỉnh trang, tháo dỡ, thậm chí là thay đổi, điều chỉnh nhất là những cọc bằng kim loại, nhưng lại chưa làm. Vừa rồi, Hà Nội đã có chủ trương mới về kiểm tra, rà soát đồng thời điều chỉnh lại các rào chắn cây xanh. Điều này cần được thực hiện ngay để tránh ảnh hướng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh đô thị”.
Liên quan đến thông tin nhiều cây xanh ở Thành phố Hà Nội bị “bức tử”, “siết cổ” bởi những bộ “gông sắt” gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát trên toàn thành phố để khắc phục tình trạng này.
Hy vọng trong thời gian tới, cây xanh – những lá phổi của Hà Nội sẽ được quan tâm và hồi sinh mạnh mẽ để bộ mặt Thủ đô được tươi sáng hơn.
Nguồn: Báo xây dựng