Hà Nội: Giáo viên mầm non tư thục vất vả mưu sinh vì Covid-19

Hà Nội: Giáo viên mầm non tư thục vất vả mưu sinh vì Covid-19

MTĐT –  Thứ bảy, 04/09/2021 09:05 (GMT+7)

Bốn tháng nghỉ việc liên tiếp cộng với những ảnh hưởng về kinh tế từ đợt dịch đầu tiên chưa kịp hồi phục, nhiều giáo viên không có nguồn thu nhập và chưa nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ cộng đồng…

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, học sinh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã phải tạm dừng đến trường từ nhiều tháng qua nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Giống như nhiều ngành nghề khác, công việc và đời sống của giáo viên các trường mầm non tư thục trên địa bàn Thủ đô bị xáo trộn, thay đổi rất lớn. Nghỉ việc, không nguồn thu nhập, nhiều người đã phải xoay xở đủ nghề để duy trì cuộc sống tối thiểu.

XOAY ĐỦ NGHỀ ĐỂ DUY TRÌ CUỘC SỐNG

Cô Thùy Linh, số 341 đường Hồng Hà là giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: “Từ khi dịch bệnh bùng phát, trường tạm thời đóng cửa là bấy nhiêu ngày trăn trở. Suy tư lắm khi thu nhập không có song trên vai vẫn là gánh nặng gia đình. Còn mẹ già và em nhỏ cần chăm sóc, lo toan như thế nào là câu hỏi hàng đêm”.

Chấp nhận làm đủ nghề để trang trải cuộc sống, ban đầu cô Thùy Linh nhận trông trẻ tại nhà nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các gia đình ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc tự trông trẻ nên cô lại thành thất nghiệp.

Không dừng ở đó, cô chuyển sang làm bánh bán online. Nhưng lại không may vì đúng vào đợt dịch thứ 4 bùng phát ở Hà Nội khiến cho việc giao hàng gặp khó khăn, kế hoạch kinh doanh bị phá sản. “Giờ chỉ mong dịch bệnh qua mau, trường học mở cửa trở lại để được đi làm và gặp các con”, cô Thùy Linh tha thiết nói.

Vất vả không kém, cô Trần Thị Thúy, quản lý kiêm giáo viên Trường Mầm non tư thục Hoa Hướng Dương, địa chỉ 154 Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường học đóng cửa là từng đấy ngày kinh tế sụt giảm. Trong khi đó, hàng tháng vẫn phải chi trả tiền thuê địa điểm mở trường, nhà trọ và chi phí cho một gia đình 4 người. Áp lực vô cùng”.

Chấp nhận sống lay lắt ở Hà Nội một thời gian, cô Thúy quyết định về quê tìm kiếm nghề khác mưu sinh cho qua giai đoạn khó khăn. Cô kể: “Nhà còn ruộng vườn nên đành quay sang trồng trọt để kiếm thu nhập trang trải cho gia đình”.

Đến nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, giáo viên mầm non tư thục là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 4 tháng nghỉ việc liên tiếp, cộng với những ảnh hưởng về kinh tế từ những đợt dịch đầu tiên chưa kịp hồi phục, nhiều giáo viên không có nguồn thu nhập và chưa nhận được bất cứ sự trợ giúp nào từ cộng đồng.

Ghi nhận trên một số diễn đàn tìm việc làm, tỷ lệ giáo viên đăng ký công việc bán bảo hiểm hoặc giúp việc gia đình, thậm chí xin làm nhân viên tạp vụ, vệ sinh tăng mạnh. Đây cũng là lúc giáo viên mầm non nói chung và mầm non tư thục nói riêng đang rất cần sự chung tay, tiếp sức để vượt bão Covid-19 thành công.

RẤT CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM, CHIA SẺ

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, Thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động, trong đó có các giáo viên mầm non.

Vừa qua, ngành giáo dục Hà Nội đã tổ chức “Chuyến xe yêu thương” dành cho cán bộ giáo viên, nhân viên khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong chương trình, 200 Túi An sinh công đoàn của Liên đoàn Lao động Thành phố và Công đoàn ngành giáo dục được trao tặng tới 200 đoàn viên của 11 đơn vị trực thuộc bị ảnh hưởng dịch bệnh. Cùng với đó là hỗ trợ cho 138 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 1,5 triệu đồng/mỗi đoàn viên.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng 4.000 khẩu trang và 40 lít dung dịch khử khuẩn cho hai Trường Mẫu giáo Mầm non B và Mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ cho giáo viên mầm non, ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho biết: “Mới đây, Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội đã phối hợp với công đoàn quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát các giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ việc do dịch bệnh. Phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã lên danh sách 10 trường hợp, ưu tiên giáo viên mầm non tư thục có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời hỗ trợ những phần quà thiết thực”.

Còn theo bà Lê Thị Nga, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, TP. Hà Nội, việc hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập đã nằm trong chính sách chung, thể hiện ở Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tất cả các trường hợp đang tạm hoãn hợp đồng lao động mà có tham gia bảo hiểm xã hội được nhận hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng. Những trường hợp không tham gia bảo hiểm xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố đã có gói hỗ trợ theo Nghị quyết 15 đặc thù riêng của thành phố.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ cũng tham mưu Quận ủy, Ủy ban ra văn bản tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ miễn giảm tiền thuê nhà cho các giáo viên mầm non ngoài công lập. Thực tế các giáo viên này đã nghỉ việc, không có thu nhập từ tháng 4 đến nay.

Bà Nga cũng thông tin thêm: “Từ 25-26/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ nhận được thông báo của Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí cho những hoàn cảnh giáo viên mầm non ngoài công lập đang nghỉ việc do giãn cách xã hội. Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có nguồn hỗ trợ nên sẽ được nhận 10 xuất quà. Tuy nhiên khi thống kê thì nhận thấy hoàn cảnh nào cũng cần được quan tâm, chia sẻ”.

Trước tình hình đó, bà Nga đã vận động một số mạnh thường quân ủng hộ thêm 68 trường hợp của 68 nhóm lớp, song điều kiện có hạn nên mỗi nhóm lớp chỉ đại diện 1 suất. Các suất quà sẽ nhanh chóng được chuyển đến tận tay các cô giáo mầm non tư thục có trong danh sách dịp này.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích