Hà Nội: Giá thực phẩm, rau xanh tại chợ dân sinh tăng, siêu thị giá ổn định
Rau xanh tăng giá
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh như chợ Hà Đông, chợ La Khê (quận Hà Đông), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Kim Giang (quận Thanh Xuân)… trong ngày 10/9 cho thấy, các chợ dân sinh vẫn hoạt động bình thường, dù người mua, người bán có phần thưa vắng hơn so với các ngày bình thường trước đó. Theo khảo sát, giá một số mặt hàng thịt lợn, thịt gà… tăng không đáng kể so với trước bão, trong khi đó, mặt hàng rau xanh do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây úng, ngập nên đang có dấu hiệu tăng giá mạnh.
Người bán, người mua tại các chợ dân sinh giảm bớt do ảnh hưởng của mưa, ngập úng kéo dài. |
Cụ thể, tại một số chợ dân sinh, cá rô phi được bán với giá 65.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cá chép được bán với giá từ 70 – 75.000 đồng/kg, tăng 5 – 10.000 đồng/kg; trong khi đó, thịt lợn có giá bán dao động từ 180.000 – 250.000 đồng/kg (tùy loại); thịt bò có giá bán ở mức từ 310.000 – 360.000 đồng/kg (tùy loại), giá thịt gà ta từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg, (tùy loại), tăng từ tăng từ 10 – 20.000 đồng/kg so với ngày thường.
Anh Tuyến, một người bán gà tại chợ dân sinh La Khê (Hà Đông) cho biết, do ảnh hưởng của mưa, ngập lụt tại một số địa bàn đã ảnh hưởng đến việc nhập gà, vịt về bán. Do đó, nguồn cung có hạn chế hơn, vì thế giá cũng tăng nhẹ so với ngày thường. Cũng theo anh Tuyến, từ hôm qua đến nay, do người dân lo ngại về việc nước sông dâng cao và thời tiết tại Hà Nội vẫn đang mưa lớn, nên có dấu hiệu một số người dân đi mua thực phẩm tích trữ. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân vẫn đảm bảo, dù giá có nhích nhẹ hơn ngày thường đôi chút.
Trái ngược với sự tăng nhẹ của mặt hàng thực phẩm, đối với mặt hàng rau xanh tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống lại đang cho thấy sự tăng giá mạnh so với thời điểm trước bão. Nguyên nhân được các tiểu thương cho rằng, nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các vùng cung cấp rau xanh đang bị ngập lụt, rau xanh bị ngập úng do mưa lũ kéo dài dẫn đến việc thu hoạch gặp khó khăn. Trong đó, các loại rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau cải… đều tăng lên mức từ 18 – 20.000 đồng/bó, tăng gần gấp đôi so với ngày thường; giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ… cũng tăng thêm từ 5 – 15.000 đồng/kg, tùy loại.
Giá thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa, bão kéo dài. |
Chị Thu (tiểu thương ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, chị đi chợ đầu mối phía Nam Hà Nội từ sớm để nhập hàng, nhưng sáng nay, lượng rau xanh khan hiếm hơn những ngày trước bão, tại chợ đầu mối, phần lớn là củ, quả. Tuy nhiên, giá cả đã tăng đáng kể trong khi lượng hàng không có nhiều, nên chị Thu cũng chỉ lấy 2/3 lượng hàng so với ngày thường.
“Do mưa suốt ngày và đêm qua nên việc thu hái nông sản của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Các loại củ, quả thì có sẵn, nhưng rau xanh khan hiếm nhiều. Bởi vậy mà giá cả đều tăng, cao hơn khoảng 1 – 1,5 lần so với ngày thường”, chị Thu chia sẻ.
Có thể thấy, tại các chợ truyền thống như Hà Đông, Phùng Khoang, chợ Ngã Tư Sở… nguồn cung ứng thực phẩm, rau xanh vẫn đảm bảo; song, giá các mặt hàng đều tăng mạnh. Thậm chí, một số ít quầy hàng còn đóng cửa bán vì nhiều người chưa kịp nhập hàng bán do mưa cả đêm, trong khi đó, do tắc đường, ngập lụt nhiều nơi, nhiều tiểu thương cũng nghỉ bán ở nhà.
Siêu thị hàng hóa dồi dào
Trong khi giá thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh có dấu hiệu tăng, thì theo ghi nhận tại các siêu thị lúc 14h ngày 10/9 cho thấy, nhân viên siêu thị liên tục bổ sung thực phẩm vào quầy kệ. Ghi nhận tại hệ thống siêu thị GO! Big C, Tops Market khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy… cho thấy, nhóm sản phẩm thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, rau, thịt, trứng, cá vẫn dồi dào, giá cả bình ổn. Cụ thể, bí xanh có giá 19.900 đồng/kg; bí đỏ dài 14.200 đồng/kg; cà chua 35.900 đồng/kg; dưa leo 15.900 đồng/kg; cà rốt 28.700 đồng/kg; cải chíp giá 10.900 đồng/kg; cải ngọt 12.800 đồng/kg; cải ngọt 13.900 đồng/kg…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, cho hay, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ngay khi có thông tin về bão số 3, siêu thị đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua và nhà cung cấp tăng sản lượng nguồn cung, đặc biệt là các nhóm sản phẩm thiết yếu như rau, thịt, trứng, cá… với sản lượng dự trữ tăng khoảng 200 – 300% để nhằm đáp ứng được nhu cầu với người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, chất lượng các mặt hàng cũng luôn được đảm bảo, giá cả ổn định…
Tương tự, tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, Aeon mall, WinMart, WinMart+, các mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt lợn, thịt bò, rau xanh… rất dồi dào. Theo chia sẻ của đại diện các hệ thống siêu thị, do có sự chuẩn bị nguồn cung từ các trang trại, doanh nghiệp thuộc hệ thống, cũng như sự kết nối từ các nguồn cung, các nhà cung cấp từ trước khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, nên tại các siêu thị hàng hóa, rau xanh không thiếu, giá cả ổn định.
Dự báo, hoàn lưu của cơn bão số 3 sẽ còn gây mưa lớn trong một vài ngày, gây ngập cục bộ tại 1 số địa bàn của thành phố Hà Nội. Ngoài ra, mưa lớn có thể sẽ gây ngập úng nên một số xã trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất có thể bị chia cắt, hoạt động kinh doanh tại một số xã gặp khó khăn…
Người tiêu dùng yên tâm mua sắm tại siêu thị do nguồn cung dồi dào, giá ổn định. |
Vì thế, phương án cung ứng hàng cứu trợ (nếu xảy ra) được bàn giao tại địa điểm được UBND các huyện đề xuất, sau đó sử dụng phương tiện chuyên dụng do địa phương bố trí để chuyển tới người dân các khu vực bị chia cắt. Trường hợp cứu trợ khẩn cấp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo lực lượng quân đội, công an bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng, phối hợp đơn vị liên quan tổ chức cứu trợ.
Trước đó, thông tin về tình hình thị trường và kế hoạch đảm bảo phân phối hàng hóa cho các tỉnh, thành đang bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3, sáng 10/9, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình, triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc. Do đó đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ nhân dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô