Hà Nội dừng dự án cao ốc tuyến đường ‘băm nát’ quy hoạch Lê Văn Lương
Hà Nội dừng dự án cao ốc tuyến đường ‘băm nát’ quy hoạch Lê Văn Lương
UBND TP Hà Nội cho biết đã chỉ đạo dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở tại ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy).
Dừng dự án cao ốc bên trên tuyến đường quy hoạch bị ‘băm nát’
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản thông tin về loạt dự án cao ốc chậm triển khai trên địa bàn TP, trong đó có dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương và dự án số 48 Trần Duy Hưng, số 216 Trần Duy Hưng thuộc địa bàn phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Liên quan đến ô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương, UBND TP Hà Nội cho biết, ô đất có tổng diện tích 12.560,6m2, được UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 11/08/2016. Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở do Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Louis làm chủ đầu tư.
Trong quá trình triển khai công tác GPMB có phát sinh đơn thư. Căn cứ báo cáo của Thanh tra TP về việc xem xét đơn thư, tháng 2/2020, UBND TP đã có chỉ đạo về việc dừng thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Về việc xử lý các nội dung tồn tại của dự án, UBND TP đã giao các Sở, ngành rà soát quy định hiện hành để tham mưu đề xuất.
Được biết, hồi tháng 5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố Kết luận thanh tra số 39, trong đó chỉ ra một số lô đất bên đường Lê Văn Lương – Tố Hữu chậm tiến độ nhiều năm, bỏ hoang lãng phí. Cùng với đó, kết luận chỉ loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường này.
Theo Kết luận thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng, hàng loạt các dự án được điều chỉnh nâng tầng sai quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương. Thậm chí có những dự án bị điều chỉnh nhiều lần theo hướng thay đổi chức năng sử dụng đất, “nhồi” thêm tầng cao.
Cụ thể, dự án Manhattan Tower sau 4 lần điều chỉnh sai quy định, đã tăng số tầng trung bình từ 5 lên 30 tầng, làm tăng quy mô dân số từ 500 người lên khoảng 1.308 người.
Dự án Times Tower của Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật, 1 tum thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% thành 59,5%, tăng thêm dân số 680 người.
Dự án HandiResco Lê Văn Lương do liên danh Tổng Cty Handico và Công ty HandiResco là chủ đầu tư với 4 lần điều chỉnh đã điều chỉnh từ đất ở thành văn phòng, thương mại (năm 2008), thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012); 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại, nhà ở và nhà trẻ (năm 2017); nâng từ 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm hơn 10.790m2.
Dự án án Hà Nội Center Point do Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư điều chỉnh “đất công cộng thành phố” thành đất xây nhà ở cho thuê và đã xây thành nhà ở và tiếp tục bị “biến” thành hỗn hợp (văn phòng, dịch vụ và nhà cho thuê). Mật độ xây dựng dự án này tăng từ 26% thành 52%, tầng cao từ 15 tầng thành 32 tầng, làm tăng thêm dân số khoảng 1.060 người.
Tại dự án The Golden Palm do Công ty CP Phát triển Đầu tư Hà Nội – Sunrise (HDIS) là chủ đầu tư điều chỉnh sai quy định từ đất ở thành dịch vụ, thương mại thành nhà ở, mật độ xây dựng từ 51,7% với tầng cao điểu chỉnh liên tiếp từ 9 lên 23 rồi lên 25 và sau đó lên 27 tầng làm tăng thêm dân số khoảng 914 người.
Ở dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê số 19 đường Lê Văn Lương do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư làm chủ đầu tư đã được điều chỉnh sai quy định từ “đất ở” thành đất xây trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, tầng cao từ trung bình 7-9 tầng thành 16 tầng.
Dự án tòa văn phòng Hud Tower điều chỉnh sai quy định trong xây dựng. Đất cho dự án này được điều chỉnh từ “đất ở” thành “đất xây dựng văn phòng, khách sạn, thương mại”, rồi biến thành tòa nhà văn phòng Hud Tower. Hệ số sử dụng đất tăng từ 3,1 lần thành 10,9 lần, tầng cao tối đa từ 16 tầng thành 32 tầng.
Tòa Golden West do Cty Vietradico là chủ đầu tư 3 lần “bị” điều chỉnh sai quy định, từ 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ từ 352 căn thành 740 căn…
Thanh tra dự án “ôm đất” 20 năm không triển khai
Đối với khu đất số 48 Trần Duy Hưng được UBND TP cho phép tổ chức lập dự án xây dựng công trình nhà ở theo quy hoạch để kinh doanh khai thác tạo nguồn thu cân đối cho Dự án BT xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương (điểm cuối giao với đường 70).
Tháng 8/2015, UBND TP quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tòa nhà văn phòng và chung cư tại số 48 Trần Duy Hưng với diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 2.809m2.
Trong đó, diện tích đất để mở đường theo quy hoạch khoảng 653,2m2; Diện tích đất xây dựng công trình khoảng 2.155,8m2.
Hiện nay, việc thanh, quyết toán Dự án BT đang được Nhà đầu tư và cơ quan quản lý hợp đồng (UBND quận Nam Từ Liêm) tổ chức triển khai thực hiện.
“UBND TP tiếp tục đôn đốc Nhà đầu tư và Cơ quan quản lý hợp đồng đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục thanh, quyết toán đối với Dự án BT nêu trên, làm cơ sở triển khai Dự án tại số 48 Trần Duy Hưng”, UBND TP Hà Nội thông tin.
UBND TP cũng cho biết, đối với khu đất số 216 đường Trần Duy Hưng có diện tích khoảng 2.368m2 (Khu A) do Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long quản lý sử dụng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất cấp năm 2004, mục đích sử dụng để xây dựng Văn phòng làm việc và Trung tâm giới thiệu sản phẩm.
Năm 2011, UBND TP đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, theo đó khu đất có chức năng văn phòng, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, Dự án chưa được triển khai.
UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai và đề xuất xử lý theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị