Hà Nội du ca
(Xây dựng) – Tôi là kẻ si tình Hà Nội, quẩn quanh, mê đắm với những hàng cây góc phố, du ca dọc theo những ngày mưa, ngày nắng, ngày gió lùa hay ngày sương giăng kín phố…
Trước giáng sinh vài ngày, trời Hà Nội lạnh sâu, lạnh thấu xương can, lạnh tê buốt từng thớ thịt, sương giăng mờ mịt trên từng góc phố, hàng cây sần sùi trơ trụi lá. Phố Hà Nội thật lạ, mùa nào cũng đẹp đến nao lòng! Vào mùa hè, Hà Nội mang vẻ đẹp nóng nẩy, lam lũ; mùa thu, Hà Nội đẹp tình si như một bài thơ dịu; mùa đông Hà Nội đẹp trầm mặc với hàng cây sù xì và những dãy phố dài lạnh lẽo. Mùa xuân gió lạnh thổi táp mặt người, mưa phùn và sương giăng phủ kín trên từng góc phố nhỏ, lúc ấy, Hà Nội mang một vẻ đẹp nhỏ bé và mong manh.
Cái rét dường như làm chậm đi nhịp sống hối hả tất bật thường ngày, quán cafe quen thuộc chật chội hơn, đông đúc và ấm áp hơn. Ở một góc quán, cậu học trò ôm đàn bập bùng bài tình ca cho cô bạn bên cạnh nghe. Mắt cô học trò trong veo, lẫn vào đáy mắt là vài ba sợi sương màu bàng bạc nhưng lấp lánh như sao khiến cậu học trò ngẩn ngơ buông phím đàn nhìn thảng thốt. Cô học trò bẽn lẽn cúi mặt, suối tóc dài che giấu đi nửa khuôn mặt đỏ vì thẹn thùng, đàn của cậu học trò bỗng bùng lên câu hát “Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai?”. Giây phút thần tiên ấy, ai cũng có thể nhớ đến quay quắt, ngay cả người đang ngồi bên cạnh.
Hà Nội, lối cũ, ngõ nhỏ, những con ngách ngoằn ngoèo mà im lặng trong giá buốt và sương giăng, có vài tiếng rao: “Ai bánh trôi, bánh chay đi”, “ai xôi xéo, bánh khúc nào”, “ai đồ gỗ cũ bán đi”, “ai bán đồng nát đi”… cứ văng vẳng như một lời hát quen thuộc vào mỗi sáng tinh sương cuối năm. Ở đoạn ngõ chỗ nút thút cổ chai có các bà cụ đang ngồi túm tụm nhặt hành muối để dành ăn ngày tết. Bà cụ chợt chép miệng nói với cụ bên cạnh: “Nhớ năm ngoái tôi với bà chả dám gặp nhau vì sợ lây bệnh, năm nay còn được ngồi muối dưa hành với nhau thật phúc đức biết bao”. Trong cuộc đời hẳn phải có những giai đoạn đi qua khó khăn để mọi người biết trân trọng giây phút còn được ở bên nhau của hiện tại.
Trên cửa sổ tầng 2, có cô thiếu phụ ngồi tẩn mẩn đan len mắt sao mà xa vắng, sao mà bâng khuâng đến nao lòng. Hà Nội bây giờ đã vắng những thiếu phụ thích đan len.
Tôi lật thư của Henry, một người bạn là kiến trúc sư từ Canada ra đọc: Hà Nội của em hẳn đã vào mùa sương, Hồ Tây lảng bảng sương khói như câu ca trù hồng hồng tuyết tuyết em hát cho tôi nghe năm ấy. Tôi nhớ rõ cả những rễ cây gồ ghề trong sân phủ Tây Hồ, hàng liễu rủ xanh đến yếu lòng như mái tóc em trong sương lạnh. Chùa Trấn Quốc với những vườn mộ tháp cổ tạo nên một kiến trúc uy nghi, mê hoặc.
Tôi nhớ cả cái cảm giác được em chở trên chiếc xe máy bé xíu đi qua ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như tổ tò vò, để khám phá văn hóa người Hà Nội trong từng ngõ phố, ngõ chợ mà chỉ khi đi xe máy hoặc đi bộ vào ngõ, ngách, tôi mới cảm nhận hết kiến trúc và văn hóa của thành phố này.
Hà Nội đang vào xuân, hẳn rằng trên phố đã rực rỡ sắc hoa đào đỏ thắm, em đã kịp mặc chiếc áo dài màu lam năm ấy để du xuân. Tôi ao ước được đến Hà Nội của em vào mùa xuân này, để được tận hưởng không khí rộn ràng hối hả của ngày tết đang cận kề. Mùa xuân, bầu trời Hà Nội của em như một bản tình ca tuyệt đẹp, em biết không?
Em biết, người si tình Hà Nội đâu chỉ có riêng em!
Nguồn: Báo xây dựng