Hà Nội “đón sóng” nửa cuối năm 2024 để kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kế hoạch

(Xây dựng) – Thời điểm hiện tại, kinh tế Hà Nội đã đi qua nửa chặng đường của năm 2024 với những kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đã đạt 8,9 tỷ USD trong khi kế hoạch đề ra mốc 18,5 tỷ USD, tăng 4-5% so với năm 2023. Thủ đô đã và đang nỗ lực để đạt và vượt kế hoạch trên.

Hà Nội “đón sóng” nửa cuối năm 2024 để kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kế hoạch
6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Nội đạt 28,6 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Xuất khẩu của Thủ đô tiếp đà tăng trưởng

Theo Cục Thống kê Hà Nội, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thủ đô đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11%; nhập khẩu đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II/2024 ước đạt 4.679 triệu USD, tăng 11,1% so với quý I/2024 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,9 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 14,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,1%.

Một số nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.256 triệu USD, tăng 13,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.069 triệu USD, tăng 29,5%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 1.050 triệu USD, tăng 7%; hàng nông sản đạt 836 triệu USD, tăng 58,5%; xăng dầu đạt 741 triệu USD, tăng 14,7%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 371 triệu USD, tăng 1,2%; hàng hóa khác đạt 2.167 triệu USD, tăng 6,3%.

Hà Nội “đón sóng” nửa cuối năm 2024 để kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kế hoạch
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Nội 6 tháng đầu năm đạt 28,6 tỷ USD. (Ảnh: Cục Thống kê Hà Nội).

Bên cạnh đó, có 3/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Hàng dệt may đạt 962 triệu USD, giảm 4%; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 166 triệu USD, giảm 22,8%; điện thoại và linh kiện đạt 49 triệu USD, giảm 40,2%.

Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Thành phố ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với quý I và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,3 tỷ USD, tăng 3,3%.

Một số mặt hàng có giá trị nhập khẩu lớn trong 6 tháng đầu năm nay là máy móc thiết bị phụ tùng đạt 3.241 triệu USD, tăng 16,7%; xăng dầu đạt 2.715 triệu USD, tăng 13,1%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện 1.225 triệu USD, tăng 14,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng 1.115 triệu USD, tăng 16,2%; sắt thép 1.022 triệu USD, tăng 32,8%; kim loại khác đạt 659 triệu USD, tăng 45,2%; chất dẻo 631 triệu USD, tăng 9,8%; hàng hóa khác đạt 6.675 triệu USD, tăng 13,1%.

Nỗ lực vượt kế hoạch đề ra

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thống kê Hà Nội Vũ Văn Tấn cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Phân tích sâu hơn cho thấy, bước sang quý II/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực khi các đơn hàng tiếp tục tăng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 13,1%. Riêng quý II/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1% là chuyển biến mang tính tích cực, thể hiện sự phục hồi của công nghiệp Thủ đô.

Hà Nội “đón sóng” nửa cuối năm 2024 để kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kế hoạch
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Sơn Tây.

Theo Trưởng ban Cố vấn (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội) Trịnh Thị Ngân, doanh nghiệp luôn cần sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ cơ quan chức năng. Trong đó, việc thực thi các quy định, chính sách là rất quan trọng để có tác dụng đích thực đối với sự vận hành của doanh nghiệp. Cải cách hành chính kết hợp giãn, hoãn, giảm mức các loại thuế, phí; tạo cơ chế bình đẳng, trao cơ hội cho doanh nghiệp… là những điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển.

Một số chuyên gia cũng bày tỏ ấn tượng khi bức tranh khởi nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã sáng hơn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập và trở lại hoạt động cao hơn số đơn vị rút lui khỏi thị trường. Đó là dấu hiệu đáng mừng, là yếu tố tạo ra tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng gợi nhắc cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thực chất hơn, để có được một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hiện nay kinh tế Hà Nội đã đi qua nửa chặng đường của năm với những kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đã đạt 8,9 tỷ USD trong khi kế hoạch đề ra mốc 18,5 tỷ USD, tăng 4 – 5% so với năm 2023. Trong khi đó, từ nay đến hết năm các thị trường là đối tác chiến lược của Việt Nam tiếp tục có đà phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên để có thể khai thác thị trường thế giới đòi hỏi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú nêu rõ, một số chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội thời gian qua đã tạo được thương hiệu, có sự lan tỏa, kết nối các địa phương. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ doanh Hà Nội mà còn tiếp sức doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Thời gian qua, Thành phố Hà Nội tổ chức hội chợ đặc sản vùng miền thường niên, các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài như: AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Big C, Go (Central Group)… đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận hệ thống bán lẻ quốc tế, từ đó xuất khẩu tại chỗ”, ông Phú nêu ví dụ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích