Hà Nội: Doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ

Dự báo năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế – xã hội; tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng; khó khăn có thể còn nhiều hơn năm 2022.

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 7%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) đạt khoảng 150 triệu đồng (năm 2022 ước đạt 142 triệu); vốn đầu tư tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; giảm 30% hộ nghèo so với cuối năm 2022…

Hà Nội: Doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đến thăm và động viên doanh nghiệp hăng hái thi đua sản xuất.

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 theo Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 9/1/2023 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa chỉ đạo 7 nhiệm vụ đến các sở, ngành, địa phương để thực hiện phương châm điều hành năm 2023 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh theo tinh thần Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương tuần trước, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã cụ thể hoá thành Chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023.

Theo đó, Thành phố đã cụ thể hoá qua 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu và hơn 110 nhiệm vụ cụ thể tới từng sở, ngành, địa phương hết sức cụ thể theo tiêu chí rõ người, rõ việc và thành phố Hà Nội đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ này.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, tính đến ngày 3/2/2023 đã có hơn 99,4% doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất với trên 98% số công nhân lao động trở lại làm việc. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Hà Nội ổn định, không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào.

Hà Nội: Doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng trò chuyện và động viên công nhân lao động đầu năm mới.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Liên đoàn Lao động Thành phố đã thành lập 6 đoàn tiến hành kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân, viên chức, lao động sau Tết tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, ngay từ những ngày làm việc đầu năm, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân; nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng đã không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc.

Doanh nghiệp quyết tâm vượt khó

Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thiết kế nội thất Việt Á Đông – KTS Đặng Việt cho biết, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 năm nay, cán bộ công nhân viên của Công ty được nghỉ 10 ngày. Sau ngày khai xuân, 99% công nhân đã quay trở lại làm việc giúp tiến độ dự án công trình được ổn định. Việt Á Đông có đặc trưng là không đi du xuân như các công ty khác, bởi ra Tết rất nhiều công trình cần triển khai luôn để kịp đến ngày đẹp cho gia chủ nhập trạch về nhà mới.

“Năm nay khai xuân xong là đến ngày thần tài mọi người đua nhau đi tích vàng để thu hút tài lộc còn Việt Á Đông thì sáng sớm đã đi tích gỗ để thu hút khách hàng mang đến không gian sống đẹp sang trọng và đẳng cấp cho quý khách hàng. Kế hoạch trong năm 2023, Việt Á Đông cần bổ sung thêm nguồn nhân lực để mở rộng chi nhánh showroom”, ông Việt chia sẻ.

Hà Nội: Doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, lãnh đạo và công nhân Công ty TNHH Thiết kế nội thất Việt Á Đông đã bắt tay ngay vào công việc cho những dự án mới.

Đối với Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình, đến ngày 30/1/2023, 100% cán bộ lãnh đạo, công nhân viên đã đi làm trở lại với tinh thần phấn khởi, hăng say. Ban lãnh đạo Công ty đã mừng tuổi các cán bộ, công nhân viên 300 nghìn/người.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình, cho biết, năm vừa qua cũng là một năm khá khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất giày dép, song việc gặp mặt đầu năm rồi mừng tuổi các anh chị em công nhân viên cũng là động lực, động viên để mọi người tiếp tục gắn bó, nỗ lực cùng công ty phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh thời điểm đầu năm mới, ông Khiêm chia sẻ, sau Tết, Công ty hoạt động vẫn khá ổn định, tiếp tục có những đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu duy trì công ăn việc làm cho người lao động để đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tuy vậy, ông Khiêm nhận định, năm 2023 cũng là một năm khá khó khăn do ảnh hưởng của tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, đặc biệt mặt hàng giày dép của Công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu là chủ yếu nên các đơn hàng ít nhiều sẽ bị giảm; trong khi đó hệ thống các kho hàng ở châu Âu và một số nước vẫn còn tồn hàng khá nhiều, nguyên tắc là họ phải bán hết hàng tồn đi mới nhập hàng mới.

Hà Nội: Doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh ngay những ngày đầu năm mới cũng như phát triển trong thời gian tới, những doanh nghiệp như Công ty cổ phần Giầy Thượng Đình rất cần sự hỗ trợ kịp thời của thành phố Hà Nội trong việc giảm lãi xuất vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, tiền thuế đất cũng cần các cơ quan nhà nước xem xét giảm sâu hơn nữa cho các doanh nghiệp, khoanh nợ theo hướng trả dần trong tình hình xuất khẩu hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn…

Tại các doanh nghiệp sản xuất lớn như Tập đoàn Sơn Hà, ngay những ngày đầu năm mới, công nhân lao động đã bắt tay vào sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ. Tất cả nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đạt 16% trong năm nay.

Còn với Công ty cổ phần Nam Dược, ngay ngày đầu năm mới những sản phẩm đầu tiên cũng đã được xuất xưởng. Doanh nghiệp kỳ vọng, với 5 nhóm giải pháp về sản phẩm, hệ thống và quản trị và công nghiệp năm nay doanh thu sẽ đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội như Công ty TNHH SD Việt Nam (Nhật Bản) dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm hơn 300 nhân viên trong năm 2023 này. Mức thu nhập bình quân của người lao động tại SD Việt Nam hiện là hơn 11,3 triệu đồng/người/tháng.

Hà Phong

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích