Hà Nội: Di dời dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm để bảo vệ tính mạng
Để đẩy nhanh tiến độ di dời dân khỏi chung cư cũ nguy hiểm, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân.
Nhà chung cư cũ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+) |
Việc cải tạo chung cư cũ đang được một số quận của thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc cải tạo, sửa chữa chung cư cũ cũng gặp những vấn đề chưa thuận lợi.
Tại quận Ba Đình, một số người dân tại chung cư cũ đã đưa ra lý do như chưa đồng thuận với kết quả kiểm định (dù đã thực hiện 2 lần kiểm định chất lượng công trình và kết quả đều đánh giá chung cư nguy hiểm cấp độ D).
Có trường hợp chưa đồng ý đến nơi tạm cư do chất lượng nhà tạm cư kém và vị trí quá xa với nơi ở cũ nên ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, làm việc và học tập của hộ gia đình. Các hộ dân cũng yêu cầu được gặp chủ đầu tư của dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư để kiến nghị về thời gian thực hiện, chính sách và phương án tái định cư.
Lý giải về các nội dung trên, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cho biết các chung cư cũ có kết quả kiểm định cấp độ D (nguy hiểm) đều được các cơ quan có uy tín kiểm định. Đặc biệt như chung cư cũ G6A Thành công đã được kiểm định lần thứ 2 và vẫn cho kết quả như lần đầu (nguy hiểm cấp độ D).
Việc di dời các hộ dân đang sinh sống tại đây ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Người dân không nên chủ quan, coi thường tính mạng mà đánh cược cho những may rủi không lường trước được.
“Chính quyền khẳng định quyền lợi các hộ dân được Luật pháp bảo vệ như được tái định cư tại nơi ở cũ với diện tích căn hộ lớn hơn, hệ số tính tuỳ theo dự án. Hơn thế, chung cư mới được xây dựng chắc chắn sẽ khang trang, đẹp hơn, hiện đại hơn….” – ông Chiến nhấn mạnh.
Đối với mong muốn của người dân muốn được gặp, trao đổi với chủ đầu tư (xây dựng chung cư mới) về diện tích căn hộ, thời gian nhận căn hộ cùng các quyền lợi khác, ông Tạ Nam Chiến cho rằng, đây là mong muốn rất chính đáng.
Tuy nhiên, hiện chưa tại quận Ba Đình chưa thể có nhà đầu tư vì theo Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải lập quy hoạch trước, sau đó cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, sau đó công bố công khai 15 ngày tại nơi công cộng. Tiếp đó, quận lập danh sách các nhà đầu tư đăng ký và đủ Tiêu chí trình thành phố phê duyệt các nhà đầu tư lập phương án tái định cư phù hợp quy hoạch đã duyệt.
Ông Tạ Nam Chiến cho biết thêm việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện công khai thông qua tỷ lệ phiếu do các hộ dân tự quyết định tại Hội nghị nhà chung cư. Do đó, tất cả các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trước đây đã từng thăm dò, lấy ý kiến người dân đến nay muốn tiếp tục tham gia đầu tư đều phải thực hiện theo quy trình quy định tại Nghị định 69.
“Hiện nay các khu chung cư cũ trên địa bàn quận đang ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết. Quận đã đo đạc, khảo sát, lấy chỉ giới đường đỏ, số liệu kỹ thuật và các dữ liệu hiện trạng, đã lập Dự toán quy hoạch chi tiết và trình Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch. Mọi việc đang được thực hiện rất khẩn trương,” ông Tạ Nam Chiến nhấn mạnh.
Tại quận Ba Đình có 217 chung cư cũ; trong đó, có 5 nhà nguy hiểm cấp D được đưa vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đợt 1.
Hiện quận này đã hoàn thành di dời được người dân tại 3/5 chung cư xuống cấp nguy hiểm cấp độ D. Đáng chú ý có tòa Nhà G6A Thành Công gồm 2 đơn nguyên (đều được xác định là nhà nguy hiểm cấp D), cao 5 tầng, diện tích xây dựng 523,6m2 với 49 căn hộ (khoảng 162 nhân khẩu).
Đến nay, có 26/49 hộ dân đã di dời; còn 23 hộ dân chưa di dời. Các hộ dân đưa ra nhiều lý do như chưa đồng thuận với kết quả kiểm định (dù đã thực hiện 2 lần kiểm định chất lượng công trình và kết quả đều đánh giá chung cư nguy hiểm cấp độ D) hay chưa đồng ý đến nơi tạm cư do chất lượng nhà tạm cư kém và vị trí quá xa với nơi ở cũ nên ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, làm việc và học tập của hộ gia đình.
Về những trường hợp hộ dân chưa chịu di dời khỏi nơi ở xuống cấp nguy hiểm, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cho biết quận tiếp tục vận động lần các hộ dân trên nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ. Trong trường hợp các hộ dân vẫn cố tình không chịu phối hợp với chính quyền di dời ra khỏi nhà xuống cấp nguy hiểm, quận sẽ giao các ngành chức năng, chính quyền phường quyết liệt hoàn thiện hồ sơ để thực hiện các biện pháp xử lý hành chính.
Thành phố Hà Nội xác định, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của thành phố trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân. Thành phố đã thành lập ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn, cho thấy sự quyết tâm chính trị cao của thành phố trong công tác này.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thành phố yêu cầu sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai các bước cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, tăng cường tiếp xúc đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của người dân. Cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong cải tạo chung cư cũ./.
Nguồn: Báo xây dựng