Hà Nội đề xuất xây dựng và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải từ xe máy

Theo công bố của cơ quan quan sát chất lượng không khí IQAir, liên tiếp nhiều ngày trong tháng 10 chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thậm chí, sáng 7/10, Hà Nội còn phải nhận “danh hiệu” thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm lên tới gần 200 – ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người. Một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội là khí thải từ phương tiện giao thông. Với hơn 8 triệu phương tiện giao thông, phần lớn là xe máy và ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Theo ước tính, các phương tiện giao thông chiếm tới 30% tổng lượng khí thải, với các hạt bụi mịn từ động cơ diesel và xăng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm. Thêm vào đó, hoạt động công nghiệp và xây dựng cũng là yếu tố làm gia tăng ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, yếu tố nghịch nhiệt và điều kiện thời tiết vào mùa Đông càng làm tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Hiện tượng nghịch nhiệt làm cho không khí không lưu thông, dẫn đến việc bụi và khí thải bị giữ lại gần mặt đất, khiến nồng độ các chất ô nhiễm gia tăng một cách đáng kể vào các buổi sáng sớm.

Ô nhiễm không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em, người già và những người mắc bệnh mãn tính. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi hệ miễn dịch của các em chưa phát triển đầy đủ để chống lại các tác nhân gây hại từ không khí ô nhiễm.

Trước thực trạng này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải, xe máy, nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí hạn chế xe máy.

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có chủ trương này. Hà Nội cũng không phải là tỉnh/thành phố đầu tiên đặt mục tiêu kiểm soát khí thải, xe máy, góp phần bảo vệ môi trường. Việc xác định khối lượng khí thải căn cứ trên số liệu quan trắc là đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, phát huy vai trò của người dân trong giám sát quá trình thực hiện nghĩa vụ nộp phí của tổ chức xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, người dân có thể phát hiện, phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những sai phạm, tiêu cực; xử lý kịp thời những phát sinh liên quan đến đời sống của người dân nơi diễn ra hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí.

Xe máy chính là một trong những “thủ phạm” gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Liên quan tới giảm khí thải và ô nhiểm môi trường, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, xe môtô, xe gắn máy sẽ phải kiểm soát khí thải từ đầu năm 2025 nhiều chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh việc làm này là cần thiết đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng để triển khai và không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, đây cũng là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường. Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe môtô, xe gắn máy tại 3 thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn.

Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe môtô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nhìn nhận việc kiểm định khí thải không chỉ giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện để đảm bảo tiêu chuẩn khí thải phù hợp cũng như nâng cao chất lượng an toàn phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi. Quy định về kiểm soát khí thải với xe máy có từ Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng quá trình triển khai gặp phải nhiều khó khăn và đến nay tiếp tục thực thi là hoàn toàn chuẩn xác, cấp thiết và xu thế tất yếu bắt buộc phải kiểm soát khí thải phương tiện cơ giới trên các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, ông Tạo cũng lưu ý cách thức triển khai cần nghiên cứu bài bản, không làm ảnh hưởng xáo trộn đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn kiểm soát được khí thải xe máy.

Muốn xúc tiến nhanh nữa về kiểm soát khí thải với xe máy đang lưu hành, ông Tạo đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu quy định một mức độ chất lượng khí thải với xe máy đang sử dụng ở mức nào để có thể chấp nhận được và xe nào chất lượng kém hơn cần có chế độ bảo dưỡng sửa chữa hoặc thay thế động cơ thì sẽ có chất lượng khí thải đạt ngưỡng tốt trong thời gian ngắn hơn.

Ngoài ra, ông Tạo góp ý vấn đề tổ chức trung tâm kiểm định khí thải xe máy cũng cần có giải pháp để làm sao có thể không ảnh hưởng nhiều người dân chờ đợi kiểm định xe; cần có cơ sở hành lang pháp lý để quy định cho cơ sở mới nhằm tạo dựng nghề chuyên kiểm định xe gắn máy thì mới làm nhanh và phục tốt nhân dân.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích