Hà Nội: Đề nghị xử lý tập thể, cá nhân trong quản lý hồ thủy lợi
Hà Nội: Đề nghị xử lý tập thể, cá nhân trong quản lý hồ thủy lợi
Ngày 2.11, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ký công văn số 3175/SNN-TLPCTT về việc kiểm tra, xử lý vi phạm hồ chứa thủy lợi theo phản ánh của Báo Lao Động.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tại hồ Lập Thành (hồ Cửa Khâu), huyện Quốc Oai, đơn vị chức năng đã làm rõ 4 trường hợp vi phạm. Cụ thể, hộ ông Bùi Văn Lân xây nhà cấp 4, lợp mái tôn với diện tích vi phạm là 90m2 sát chân mái ngoài đập chính hồ.
Hộ ông Nguyễn Thanh Tùng xây nhà kết cấu bê tông cốt thép với diện tích 99m2 trong phạm vi bảo vệ lòng hồ.
Hộ ông Nguyễn Trung Thành đổ đất san nền với diện tích 120 m2 trong phạm vi bảo vệ lòng hồ.
Hộ bà Dương Thị Hồng xây nhà kết cấu bê tông cốt thép với diện tích 90m2.
Trong đó, 2 trường hợp là hộ gia đình bà Dương Thị Hồng và ông Nguyễn Thanh Tùng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại Hồ Đồng Âm xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai đơn vị chức năng ghi nhận hạng mục xây tường kè đá phía bờ hồ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Còn tại hồ Miễu, huyện Chương Mỹ, đơn vị làm rõ công trình vi phạm Bomoho Retreat. Đây là khu nhà gồm nhiều phòng ở riêng biệt được xây dựng từ năm 2019, thuộc sở hữu của ông Trần Quang Hưng và bà Phương Khánh Linh (diện tích đất 1.554,6 m2, có sơ đồ trích đo hiện trạng thửa đất tỉ lệ 1/700 do Công ty cổ phần khảo sát và đo đạc địa chính Thủ đô đo vẽ và có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã Nam Phương Tiến).
Công trình không có giấy phép xây dựng. Kết quả kiểm tra thực tế có 35,25m2 diện tích vi phạm phạm vi bảo vệ hồ và nằm ngoài phạm vi đất được sử dụng.
Tại hồ Đồng Sương huyện Chương Mỹ các đơn vị đã làm rõ vi phạm của công trình Mai sonson. Khu đất này được giao khoán cho ông Nghiêm Thanh Sơn, thôn Phú Mỹ, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ với diện tích 9.456m2, với mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm. Ông Sơn đã cải tạo đất và sửa chữa, xây dựng các công trình trên đất từ năm 2014.
Theo nội dung biên bản kiểm tra vi phạm, trong ranh giới khu đất có 05 công trình nằm trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Đồng Sương, gồm: nhà xây gạch, lều lán, lầu tạm…
Qua quá trình xác minh nội dung báo nêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng phát hiện nhiều vi phạm nhưng xảy ra trên địa bàn giáp ranh thuộc tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể, tại hồ Miễu, có nhiều công trình vi phạm xâm hại hồ là khu nhà ở thuộc địa giới hành chính xã Cư Sơn (trước kia là xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Tại khu vực hồ Đồng Sương có 2 khu nhà ở vị trí thượng nguồn hồ Đồng Sương thuộc địa phận thôn Sòng, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có diện tích 173m2, bể bơi diện tích 60 m2 vi phạm.
Không chỉ làm rõ các đối tượng hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm xâm hại hồ thủy lợi, đơn vị chức năng còn chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị quản lý.
Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, các đơn vị gồm công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, Uỷ ban nhân dân huyện Chương Mỹ và Uỷ ban nhân dân huyện Quốc Oai chỉ lập hồ sơ vi phạm sau khi có chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau khi Báo Lao Động phản ánh). Việc lập hồ sơ này cho thấy các đơn vị rất chậm trễ.
Từ việc làm rõ các sai phạm nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Chương Mỹ tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vụ việc xâm phạm hồ thủy lợi.
Về trách nhiệm quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và có hình thức xử lý đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, UBND huyện Chương Mỹ và UBND huyện Quốc Oai.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị