Hà Nội đang rà soát các đối tượng trẻ em tiêm vaccine phòng COVID-19

Hà Nội đang rà soát các đối tượng trẻ em tiêm vaccine phòng COVID-19

MTĐT –  Thứ ba, 19/10/2021 08:57 (GMT+7)

Trẻ em được tiêm 2 liều với cùng một nhà sản xuất, cùng một loại vaccine và bắt buộc phải có bố mẹ đồng ý và ký vào giấy mới được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tiêm vaccine cho trẻ em cần sự phối hợp của ngành y tế và ngành giáo dục

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine dự kiến tiêm cho trẻ phải đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra. Cụ thể là những loại vaccine được nhà sản xuất chỉ định cho phép sử dụng với trẻ em, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và được Bộ Y tế cũng như các Hội đồng khoa học của Bộ Y tế xem xét để đưa vào sử dụng.

“Hiện nay, vaccine của công ty Pfizer/BioNTech đã được Bộ Y tế cho phép để sử dụng tiêm cho trẻ em. Tới đây, khi nguồn cung vaccine COVID-19 đang triển khai ổn định, Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét và đưa vào sử dụng các vaccine COVID-19 khác có đủ điều kiện tiêm cho trẻ em. Điều này giúp đa dạng nguồn cung và sớm đạt độ bao phủ vaccine phòng bệnh cho trẻ từ 12-17 tuổi” – PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin.

Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trẻ em được tiêm 2 liều với cùng một nhà sản xuất và cùng một loại vaccine. Theo đó, vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ em cũng đã ghi nhận những phản ứng thông thường và bất thường sau khi tiêm chủng tương tự như với người trưởng thành.

Cụ thể, sau tiêm, trẻ em có thể sưng đau tại chỗ tiêm. Biểu hiện toàn thân như có thể sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau mỏi cơ, khớp. Các phản ứng này tương tự với người trưởng thành khi tiêm vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, các số liệu cũng chỉ ra tỉ lệ hiếm gặp các phản ứng nặng hơn, tùy vào cơ địa từng cá thể, điều này cũng giống như bất kỳ loại vaccine phòng bệnh nào khác như phản ứng phản vệ, phản ứng dị ứng muộn” – PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết. 

Để tổ chức tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục tất cả các địa phương. Đặc biệt, trẻ đang ở lứa tuổi vị thành niên nên phải có sự đồng thuận, chấp thuận của cha mẹ.

Đồng thời, để công tác tiêm chủng được an toàn, hiệu quả, cần hướng dẫn trẻ nhận biết các biểu hiện khó chịu. Đặc biệt, tư vấn đầy đủ cho các giáo viên và các bậc phụ huynh để cùng đồng hành theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19.

tm-img-alt

Hà Nội đang rà soát số lượng trẻ em để tiêm vaccine 

Ngày 18/10, trao đổi về kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em của Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: Hiện Hà Nội đang rà soát các đối tượng trẻ em đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các phường, xã. Tuy nhiên việc tiêm chủng cụ thể như thế nào thì vẫn chờ có vaccine mới có thể có kế hoạch cụ thể. Hiện chưa biết khi nào nguồn vaccine về, có hay không, dùng vaccine nào. Khi nào có vaccine thì Thành phố mới có thể cụ thể hoá kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em”.

Về độ tuổi tiêm chủng cho trẻ em của Hà Nội, theo ông Khổng Minh Tuấn, điều này cũng phụ thuộc vào nguồn vaccine, tuỳ thuộc số lượng sẽ tiêm cho các đối tượng trẻ từ 17 tuổi, rồi xuống 16 tuổi, 15 tuổi theo nguyên tắc hạ dần độ tuổi.

“Đặc biệt, với trẻ em, bắt buộc phải có bố mẹ đồng ý và ký vào giấy mới được tiêm chủng”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Theo đó, hiện toàn Thành phố Hà Nội có chưa tới 1 triệu trẻ ở độ tuổi từ từ 12 – 17 tuổi. Vì vậy, việc triển khai tiêm không quá khó khăn. Mọi công tác tiêm chủng để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ của Hà Nội đã sẵn sàng. Nếu tiêm trong thời điểm trẻ đến trường thì Thành phố sẽ tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học và sau đó tiêm vét tại xã, phường. Nếu tiêm trong thời điểm học sinh chưa đến trường, thì sẽ tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng như vừa qua.

Hiện Bộ Y tế đã có kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Dự kiến từ cuối tháng 10, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12- 17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: Từ 3-11 tuổi; 12- 15 tuổi; 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.

PV (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích