Hà Nội: Dân tố cáo UBND quận Bắc Từ Liêm vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và thu hồi đất?
Gia đình bà Phạm Thị Thạo và gần 10 hộ gia đình tại ngõ 354 Trần Cung, TDP Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tố cáo chính quyền vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và thu hồi đất đai?
Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa nhập nhận được đơn kêu cứu của gia đình bà Phạm Thị Thạo và gần 10 hộ gia đình đang sống tại ngõ 354 Trần Cung, TDP Hoàng 10, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) về việc họ nhận được thông báo “về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm” vào ngày 18/12/2024.
Trước sự việc trên, các hộ dân vô cùng bất bình, bởi họ đã sinh sống lâu dài, ổn định từ những năm 1987 đến nay, và hàng năm đều hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đất, kể từ 1992 đến thời điểm có thông báo thu hồi và hiện tại (năm 2024) đã có giấy thông báo thuế của UBND phường Cổ Nhuế 1. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay họ liên tục bị tống đạt, mời lên làm việc để phải tiếp nhận, yêu cầu buộc thực hiện nhiều quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, thu hồi đất làm dự án mà theo người dân là không đảm bảo tính pháp lý.
Cụ thể, năm 2021, UBND quận Bắc Từ Liêm ra quyết định thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án “Xây dựng Bảo tàng quốc gia và Công viên Hữu Nghị” nhưng thực chất thu hồi đất để xây dựng Trạm Biến áp 110 KV Tây Hồ Tây. Chính vì vậy, các hộ gia đình vô cùng bức xúc và không đồng ý với các quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND thành phố Hà Nội.
Theo người dân dẫn chứng và tài liệu có được, thì ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 281/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Quyết định này không phê duyệt Dự án Công viên Hữu Nghị và cũng không phê duyệt dự án Xây dựng Trạm biến áp 110 KV Tây Hồ Tây). Trong Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có nêu địa điểm xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại phía Đông Nam Khu công viên Hữu nghị, thuộc Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, thành Phố Hà Nội, quy mô nghiên cứu sử dụng đất khoảng 10ha, trong khuôn viên 28ha của Công Viên Hữu Nghị. Giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2006 đến năm 2010. Trong giai đoạn các đơn vị được giao nhiệm vụ lập, thẩm định dự án và trình Thủ tưởng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định hiện hành. Theo người dân, Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới đang ở công đoạn nghiên cứu, lập, thẩm định dự án và chưa được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội sau đó đã căn cứ vào duy nhất Quyết định này của Thủ tướng để ban hành Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 11/01/2008 về việc thu hồi đất để chuẩn bị thực hiện Dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Công viên Hữu Nghị (trong khi Dự án Công viên Hữu Nghị chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt). Như vậy về mặt pháp lý, không đủ điều kiện thu hồi đất của người dân để thực hiện Dự án Công viên Hữu Nghị và cũng không đủ điều kiện thu hồi đất để thực hiện dự án Xây dựng Trạm Biến áp 110 KV Tây Hồ Tây. Điều này cho thấy, đã có dấu hiệu lợi dụng việc phê duyệt dự án này để thu hồi đất cho dự án khác?
Mặt khác, theo Bản vẽ Chỉ giới đường đỏ tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập ngày 07/5/2007 cho dự án “Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia” được Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chấp thuận ngày 18/5/2007 thì vị trí khu đất UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi để xây dựng Trạm biến áp 110KV Tây Hồ Tây hoàn toàn không nằm trong chỉ giới dự án Xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia.
Đặc biệt, Đề án Xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được Thủ tướng ký ban hành từ năm 2006 và thực hiện đến năm 2010, nhưng đến nay đã gần 20 năm dự án vẫn chưa được triển khai. Vậy Quyết định có còn giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật hay không? Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia trả lời Báo Tuổi trẻ Online ngày 03/01/2020 cho biết: “Dự án xây mới Bảo tàng Lịch sử quốc gia gần 11.300 tỉ đồng sẽ không được thực hiện trong thời gian tới, một kế hoạch thay thế sẽ được trình lên Thủ tướng”.
Cũng theo các hộ dân cho biết, vì những lý do nêu trên, từ năm 2020, 2021, 2022, 2023 và năm nay (2024), các hộ dân đã làm đơn khiếu nại, kêu cứu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết và họ cũng đã nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để yêu cầu xem xét hủy bỏ các quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư đã ban hành. Hiện nay, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận và đang trong quá trình thụ lý.
Trong khi, vụ việc đang được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý, thì mới đây, ngày 05/12/2024, các hộ dân lại được mời lên trụ sở UBND phường Cổ Nhuế 1 để nhận thông báo “về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm” vào ngày 18/12/2024.
Điều đáng nói, việc cưỡng chế này là để thực hiện Quyết định cưỡng chế ban hành từ năm 2021 (cách đây 3 năm). Trong thời gian từ 2019 đến 2023, các hộ dân đã nhận được 4 văn bản gia hạn mà văn bản gần nhất là văn bản số 1706/UBNND-KH&ĐT ngày 02/6/2022 cũng đã hết hạn vào ngày 31/12/2023. Căn cứ để thực hiện lần cưỡng chế này là Quyết định số 5497/QĐ-UBND ngày 21/10/2024 của UBND thành phố Hà Nội “về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng khu đất Xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia và công viên Hữu Nghị”. Tuy nhiên, người dân thấy rằng căn cứ vào Quyết định này để cưỡng chế là trái pháp luật, bởi đây chỉ là quyết định phê duyệt bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng nhưng nội dung của nó lại là điều chỉnh, bổ sung quy mô, nguồn vốn của dự án?. Hành vi trên là hoàn toàn trái với quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan về thẩm quyền, trình tự thủ tục (theo người dân đây là dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ do đó khi điều chỉnh phải là Thủ tướng Chính phủ ký quyết định).
Từ những vấn đề nêu trên, các hộ dân nhận thấy việc thu hồi đất của họ có thể có dấu hiệu đang che dấu những “vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và thu hồi hồi đất”. Việc làm này đã xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp về nhà đất và cuộc sống của người dân và đặc biệt là xâm phạm nghiêm trọng đến sự tôn nghiêm của pháp luật. Vì vậy, các hộ dân làm đơn này xin trình báo về dấu hiệu tội phạm “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” của thành phố Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm tới các cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương và Hà Nội.
Các hộ dân kính mong được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng xem xét, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân theo quy định pháp luật. Đặc biệt, trong khi chờ đợi sự vào cuộc, làm sáng tỏ vụ việc của các cấp thẩm quyền, các hộ dân kiến nghị UBND quận Bắc Từ Liêm dừng ngay việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi nhà, đất của họ./.
Nguồn: hoanhap.vn