Hà Nội chủ động, sẵn sàng phòng chống thiên tai năm 2024

Hà Nội chủ động, sẵn sàng phòng chống thiên tai năm 2024

Chiều 4-4, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị

Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại – Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố cho biết, trong năm 2023, Hà Nội không chịu ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới nhưng chịu ảnh hưởng của: 21 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, 3 đợt rét đậm, rét hại; 12 đợt nắng nóng gay gắt; 4 đợt mưa vừa, mưa to…

Thiên tai xảy ra khiến 670ha lúa, hoa màu và cây trồng bị thiệt hại; khoảng 180 cây xanh đô thị bị gãy đổ; khoảng 2.000m đê, kè bị sạt, hư hỏng; trên 1.000m kênh mương sạt lở; 20 sự cố về đê điều. 

Trong năm 2023, trên địa bàn Thành phố xảy ra 243 vụ cháy (1 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 94 vụ cháy trung bình, 127 vụ cháy nhỏ, 15 vụ cháy rừng); thiệt hại về người 68 người chết, 50 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 5,2 tỷ đồng.

Về tình hình trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể xảy ra 785 vụ tai nạn giao thông làm 466 người chết, 543 người bị thương (giảm 193 vụ, giảm 73 người chết, giảm 99 người bị thương). Xác định rõ phương châm phòng ngừa là chính, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành của Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất để ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó với các sự cố do thiên tai gây ra cho các cấp chính quyền, người dân. Tình hình thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn và thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao năng lực và hoạt động của đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã cũng được thực hiện nghiêm túc, duy trì tốt.

Vì vậy, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố thực hiện từ sớm, từ xa và rất hiệu quả. Đặc biệt, khi xảy ra các sự cố thiên tai, hỏa hoạn, lãnh đạo Thành phố đã có mặt tại hiện trường kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Mặc dù công tác PCTT và TKCN đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo ông Nguyễn Xuân Đại vẫn còn một số mặt hạn chế, trong đó, công tác xử lý, giải tỏa vi phạm đạt hiệu quả chưa cao. Công tác tổng hợp thông tin, báo cáo tình hình sự cố, thiên tai và thiệt hại còn thiếu đồng bộ giữa các cấp, các ngành.

Một số quận, huyện, xã, phường và đơn vị vẫn còn tư tưởng chủ quan do đó xây dựng phương án PCTT chưa cụ thể, chưa sát thực tế; việc phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị về lực lượng, cung ứng vật tư, phương tiện, hậu cần chưa cụ thể, còn có nội dung chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm. Việc lồng ghép PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Theo nhận định, tình hình thiên tai, sự cố năm 2024 sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, cần chủ động đề phòng bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ rừng ngang, hạn hán, dông lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, hỏa hoạn… Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới; 4-6 đợt nắng nóng gay gắt; 6-8 đợt không khí lạnh…

Vì vậy, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần đặt nhiệm vụ trọng tâm rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp thực tế. Các sở, ngành tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm, kịp thời triển khai phương án khi có tình huống xảy ra, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong công tác PCTT và TKCN thuộc lĩnh vực ngành quản lý…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhận định tình hình thời tiết, thiên tai năm 2024 sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của UBND Thành phố tại Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác PCTT và TKCN.

Hai là, khẩn trương hoàn thành việc tổng kết, đánh giá công tác PCTT và TKCN năm 2023, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2024. Kiện toàn bộ máy ban chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 30/4/2024.

Ba là, thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Đặc biệt lưu tâm đến việc cập nhật kế hoạch PCTT, sự cố hằng năm, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng chống úng ngập nội thành, ngoại thành, phương án phòng cháy, chữa cháy.

Bốn là, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT và TKCN dưới nhiều hình thức, nội dung cập nhật, đổi mới, phong phú.

Năm là, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu khẩn trương tham mưu ban hành quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của Quỹ PCTT, Quy chế hoạt động của Quỹ PCTT và TKCN.

Sáu là, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ theo quy định; theo dõi chặt chẽ, thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai, sự chỉ đạo điều hành của Trung ương, Thành phố để kịp thời tham mưu chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích