Hà Nội: Cẩn trọng cơn sốt đất vùng ven
(TN&MT) – Tại nhiều huyện vùng ven Hà Nội, vài tháng nay, giá đất được đẩy lên tăng bất thường dưới sự tiếp tay của giới cò đất.
Giới cò thổi phồng giá đất
Chị N.T.V có nhu cầu mua 1 mảnh đất nông nghiệp để làm nhà nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần tại huyện Phúc Thọ. Nhưng 2 tháng nay, vợ chồng chị quay cuồng trong sự dẫn dắt của các môi giới nhà đất.
“Môi giới dẫn tôi đi xem rất nhiều mảnh đất nhưng cứ mảnh nào tôi chọn thì chỉ 1 – 2 ngày họ báo là chủ nhà đã bán mất rồi. Cảm giác bị mua hụt khiến tôi tiếp tục tìm kiếm nhưng giá các mảnh sau đều được môi giới báo cao gấp đôi, gấp ba lần. Tôi quyết định không mua thời điểm này và chờ đợi cơn sốt của thị trường hạ nhiệt” – chị V kể.
Theo phản ánh của người dân Phúc Thọ, gần đây, cò đất lùng sục, ăn chực nằm chờ trong xóm để tìm đất. Họ đi từng đoàn xe lớn, xe nhỏ lùng sục khắp trong làng. Nhà nào có đất ruộng, đất nông nghiệp là họ hỏi mua. Thông tin nhiễu loạn khiến người dân rất hoang mang.
Tương tự, bất động sản tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh cũng sôi động không kém. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản mới được mở ra. Theo khảo sát của PV Báo TN&MT, ngoài đất thổ cư, cò đất còn rao bán rầm rộ đất lâm nghiệp, đất rừng… với giá 130 – 140 triệu đồng/1 sào (360m2)…
“Sốt đất đang có dấu hiệu quay trở lại. Người bán thì hét giá trên trời, người mua thì e ngại nên giao dịch thật cũng không nhiều. Đất đai chủ yếu nằm trong tay các đầu nậu lớn. Họ đã găm hàng từ 1 – 2 năm, nay chờ cơ hội thổi giá lên để thoát hàng ra. Do vậy, mua đất tại thời điểm giá đang lên đỉnh rất dễ lỗ hoặc không thể thanh khoản. Vì vậy, người mua cần hết sức thận trọng” – ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – ông Hà Quang Hưng cho biết, cách thức thổi giá trên thị trường thường do 1 nhóm các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mua gom đất đai. Đồng thời tung tài liệu về quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng “đám đông”, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, nhóm này đã tạo lên các cơn sốt ảo đẩy giá lên cao để trục lợi.
Sau đó, nhóm các nhà đầu cơ này sẽ rút đi, tạo nên làn sóng phân phối ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất có giá cao của nhà đầu tư trước phải phân phối đi để cắt lỗ, nhiều nhà đầu tư không phân phối kịp sẽ bị mắc kẹt.
|
Cơ quan chức năng vào cuộc
Theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường bất động sản chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật còn xảy ra tại một số địa phương; cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch.
Tại một số địa phương đã xảy ra các vụ việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý; chuyển nhượng đất đai, kinh doanh bất động sản trái quy định; phân lô, bán nền trên diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Vì vậy, ngày 24/12, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương đánh giá và kiểm soát nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản. Đồng thời, tổng hợp thông tin, đánh giá, nhận định về khả năng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra “bong bóng” hoặc các diễn biến bất thường khác.
Bộ Xây dựng đề nghị xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh.
Đồng thời, đề nghị các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.