Hà Nội: Cần làm rõ nhiều vấn đề trước phiên phúc thẩm vụ tranh chấp ngõ tại khu tập thể 4B Lý Nam Đế

(Xây dựng) – Vụ tranh chấp ngõ đi chung tại khu tập thể 4B Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ và còn rất nhiều vấn đề cần Hội đồng xét xử phúc thẩm làm sáng tỏ trước khi ra phán quyết cuối cùng.

Hà Nội: Cần làm rõ nhiều vấn đề trước phiên phúc thẩm vụ tranh chấp ngõ tại khu tập thể 4B Lý Nam Đế
Ngõ 4B Lý Nam Đế, nơi diễn ra tranh chấp nhiều năm nay.

Trước đó, Báo điện tử xây dựng đã đăng tải nội dung liên quan đến vụ kiện đòi mở lối đi của hộ ông Nguyễn Quang Vinh trú tại số 6B + 6C Lý Nam Đế, phường Hàng Mã ra ngõ đi của khu tập thể 4B Lý Nam Đế.

Theo đó, gần 40 hộ dân tại tập thể 4B Lý Nam Đế cho rằng Tòa án nhân dân Hà Nội buộc UBND quận Hoàn Kiếm cho phép hộ 6B + 6C mở lối đi ra ngõ khu tập thể 4B là chưa thỏa đáng, chưa thấu đáo, còn nhiều tình tiết, chứng cứ cần được xem xét, đánh giá trên tinh thần khách quan.

Theo đó, căn cứ đơn khởi kiện của ông Nguyễn Quang Vinh ngày 10/05/2022 và các bản tự khai, Biên bản đối thoại, hòa giải; lời trình bày của người khởi kiện tại Trang 04 Bản án hành chính số 96/2023/HCST ngày 24/05/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà nội thì nội dung khởi kiện gồm hai nhóm quan hệ pháp luật tranh chấp cần giải quyết khác nhau gồm: Một là, nhóm vấn đề liên quan đến khởi kiện quyết định hành chính do Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Hoàn Kiếm và Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ban hành; Hai là, nhóm vấn đề liên quan đến quyền được mở lối đi sang ngõ đi nội bộ (lối đi chung) của các hộ dân khu tập thể 4B Lý Nam Đế.

Theo người dân, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 30 và khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13. Do vậy, việc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội thụ lý đơn khởi kiện của ông Vinh để xem xét tính pháp lý của các quyết định hành chính do Phòng QLĐT quận Hoàn Kiếm và Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nhóm vấn đề thứ hai là tranh chấp lối đi chung giữa ông Vinh với 38 hộ dân sinh sống tại ngõ khu tập thể 4B Lý Nam Đế tại thửa đất nhà 6B+6C số 6 Lý Nam Đế là tranh chấp đất đai và được giải quyết theo quy định của Luật Đất đai 2013; Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đối với loại tranh chấp này thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013; Khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Do đó, việc gộp cả hai quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ án là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải hủy bản án (khoản 4 Điều 34 Luật Tố tụng hành chính).

Đặc biệt ngày 29/09/2016, ông Vinh phá bỏ một phần bức tường ngăn cách giữ nhà số 6 và khu tập thể số 4B Lý Nam Đế, hành vi này đã bị UBND phường Hàng Mã lập biên bản đình chỉ sai phạm và ra Quyết định số 132/QĐ-UB ngày 03/10/2016 về việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng không phép. Tại Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm ngày 29/09/2016, ông Vinh đã cam kết giữ nguyên hiện trạng chờ cơ quan cấp trên và tòa án giải quyết. Như vậy, ông Vinh đã chấp hành Quyết định 132 của UBND phường Hàng Mã và cam kết giữ nguyên hiện trạng chờ cơ quan có thẩm quyền và Tòa án giải quyết.

Điều đó cho thấy, ông Vinh chưa có quyền sử dụng ngõ đi số 4B Lý Nam Đế nhưng vẫn lập hồ sơ xin phép xây dựng với đề nghị phá bỏ bức tường ngăn cách là hoàn toàn không có căn cứ để cấp phép xây dựng cho ông Vinh.

Hà Nội: Cần làm rõ nhiều vấn đề trước phiên phúc thẩm vụ tranh chấp ngõ tại khu tập thể 4B Lý Nam Đế
Khu vực hộ ông Vinh kiện đòi mở lối đi ra ngõ khu tập thể 4B Lý Nam Đế.

Mặt khác, theo tài liệu vụ án thì có thể thấy rằng ông Vinh đã có lối đi theo quy định của pháp luật và thực tế đã sử dụng lối đi này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng không có lối đi.

Theo văn bản phản ánh của bà Ngô Thị Hiền ngày 25/11/2016 thì bà Hiền thuê nhà 6B của bà Trần Ngọc Anh; ông Liêm thuê nhà 6C của bà Trần Thị Phương Liên từ 2012 và 2013 đến tháng 09/2016 vẫn sử dụng ngõ đi chung của các hộ số 6 để ra phố Lý Nam Đế, chiều rộng ngõ khoảng 1,5m. Như vậy là từ thời điểm 1999 đến tháng 09/2016 (trước khi chuyển nhượng cho ông Vinh, bà Xuân) các hộ phía trong là hộ 6B và 6C vẫn đi ra phố Lý Nam Đế bằng lối đi sát bức tường ngăn cách với ngõ ra, vào khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Điều này là sự thực không thể phủ nhận.

Căn cứ Văn bản số 469/TCT-QLNĐ ngày 22/04/2021 của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị – Bộ Quốc phòng trả lời Công văn số 339/UBND-QLĐT ngày 24/03/2021 của UBND quận Hoàn Kiếm về việc làm rõ ngõ đi vào Khu tập thể 4B Lý Nam Đế đối với số 6B+6C Lý Nam Đế, tại Mục 1 văn bản thể hiện, các căn hộ số 6A và 6B, 6C đều được thuê đất của Bộ Quốc phòng, diện tích 6B, 6C được tách từ hộ số 6 (cấp nhà đất cho ông Trần Công Mân năm 1988).

Căn cứ lời trình bày của ông Vinh tại phiên tòa (trang 4, 5 Biên bản phiên tòa – Bút lục 239-240) thì khi chia tách đã hình thành lối đi của các hộ 6B và 6C đi qua đất của hộ 6A ra phố Lý Nam Đế sát với bức tường ngăn cách với ngõ 4B khu tập thể. Do vậy các hộ 6B, 6C Lý Nam Đế đã được dành lối đi ra phố Lý Nam Đế trong phần đất của hộ số 6A từ thời điểm 2001 – theo Quyết định số 09/QĐ-TC ngày 14/12/2001 của Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng.

Do đó, hộ ông Vinh trình bày không có lối đi là hoàn toàn trái với thực tế, trái với nguồn gốc hình thành quyền sử dụng đất của các hộ cùng chung số nhà bao gồm số nhà 6, 6A, 6B và 6C phố Lý Nam Đế. Trong trường hợp hộ 6A xây bịt lối đi của các hộ 6B và 6C thì ông Vinh có quyền khởi kiện hộ 6A.

Cũng theo người dân, trước đó UBND quận Hoàn Kiếm và Phòng Quản lý xây dựng quận Hoàn Kiếm từ chối cấp giấy phép xây dựng cho ông Vinh để phá dỡ bức tường ngăn cách ngõ và các hộ 6B + 6C là có cơ sở, bởi lẽ:

Một là, theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Xây dựng 2014 thì ông Vinh cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản định phá dỡ, tuy nhiên ông Vinh không cung cấp cho UBND quận Hoàn Kiếm và Phòng Quản lý xây dựng quận Hoàn Kiếm giấy tờ nào để chứng minh quyền sở hữu đối với bức tường ngăn cách giữa hai số nhà định phá dỡ. Ngược lại căn cứ Bút lục 17, 18, 19 – Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho các hộ 6B, 6C không thể hiện bức tường ngăn cách nằm trên khuôn viên thửa đất mà ông Vinh có quyền sử dụng, do đó theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 thì ông Vinh có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất. Hồ sơ ông Vinh nộp cho UBND quận Hoàn Kiếm để xin phép xây dựng thiếu giấy tờ chứng minh quyền sử hữu, quản lý, sử dụng đối với bức tường ngăn cách giữa hai số nhà.

Hai là, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản số CĐ734146 cấp cho ông Nguyễn Quang Vinh và vợ là Nguyễn Thị Thanh Xuân ngày 19/07/2016 không thể hiện lối đi sang ngõ khu tập thể 4B Lý Nam Đế. Để được cấp phép xây dựng, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng cấp cho ông Vinh phải thể hiện lối đi sang ngõ khu tập thể 4B Lý Nam Đế.

Vợ chồng ông Vinh chưa có quyền sử dụng lối đi sang ngõ 4 B Lý Nam Đế; đang có tranh chấp về quyền sử dụng lối đi với 38 hộ dân khu tập thể số 4B Lý Nam Đế, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép mở lối đi, chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án, chưa đăng ký biến động xác lập quyền sử dụng lối đi ngõ khu tập thể số 4B Lý Nam Đế nhưng ông Vinh đã làm hồ sơ xin phép xây dựng là không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. UBND quận Hoàn Kiếm và Phòng Quản lý xây dựng quận Hoàn Kiếm từ chối cấp giấy phép xây dựng cho ông Vinh là đúng pháp luật.

Qua đó, một lần nữa kiến nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá thấu đáo hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và tâm tư nguyện vọng của người dân để có bản án công tâm, khách quan, đúng người, đúng pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích