Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng ngập lụt sau cơn mưa kéo dài

(Xây dựng) – Tình trạng ngập lụt trong nội thành thường xuất hiện sau những cơn mưa lớn gây khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Thành phố đã có nhiều biện pháp chống ngập lũ trong nội thành nhưng chưa có hiệu quả rõ rệt, cần tìm biện pháp khả thi hơn.

Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng ngập lụt sau cơn mưa kéo dài
Nhân viên của một công ty thoát nước chia sẻ: “Tôi đã có mặt ở đây từ sáng để khắc phục tình trạng ngập úng. Nhưng cơn mưa to, cùng với tình trạng đường trong ngõ nhỏ khiến mực nước dâng lên rất nhanh. Để khắc phục tình trạng này, tôi cũng phải mất nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu lượng mưa không giảm thì tình trạng ngập úng sẽ rất khó kiểm soát”.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 9h45 sáng 20/8, khu vực nội thành Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to. Theo dự báo, trong 3 giờ tiếp theo khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng 20 – 50mm, có nơi trên 80mm. Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến 15 – 30cm.

Theo ứng dụng quan trắc của Công ty Thoát nước Hà Nội, trong khoảng một giờ qua nhiều trạm đo được lượng mưa trên 40mm như Trích Sài 60mm, Hoàng Quốc Việt 57,5mm, Tây Mỗ 47mm, Mễ Trì 44mm…

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng vào sáng 20/8 tại một đoạn đường trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, tình trạng ngập lụt diễn ra gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng ngập lụt sau cơn mưa kéo dài
Tình trạng ngập gây khó khăn cho người dân trong quá trình di chuyển.

Tình trạng ngập úng kéo dài mỗi khi có mưa to đã diễn ra ở Hà Nội trong nhiều năm. Mỗi lần mưa lớn không những gây ngập lụt cản trở việc đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn gây thiệt hại lớn về vật chất.

Trên thực tế, việc ngập lụt có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Đầu tiên là do biến đổi khí hậu phức tạp, gần đây có những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật ập xuống bất ngờ. Thứ hai là do sự quản lý thiếu sâu sát, chưa chặt chẽ của các quận, huyện đối với hệ thống thoát nước. Nhiều nơi được đầu tư đồng bộ, nhưng vẫn có tình trạng xả rác, vật liệu xây dựng bừa bãi, lấn chiếm vỉa hè kinh doanh buôn bán, cố tình bịt miệng cống để tránh mùi hôi thối bốc lên khiến việc thoát nước gặp khó.

Về giải pháp chống ngập, theo ý kiến các chuyên gia, quy hoạch đô thị Hà Nội cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố. Đồng thời, sử dụng cống xả nước dọc các con sông như sông Tô Lịch…để thoát nước mưa. Mỗi khu đô thị cần dành quỹ đất khoảng 10% để xây dựng hồ sinh thái.

Giải pháp chung đối với khu vực đô thị là cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật, các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị, phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Đối với giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai, cần đầu tư, củng cố, bổ sung, nâng cấp hệ thống trữ nước, tiêu thoát nước, phòng, chống ngập úng do mưa lớn, lũ, triều cường, nhất là đối với các đô thị lớn, trong đó yêu cầu tập trung phòng, chống ngập úng do mưa lớn và triều cường.

Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng ngập lụt sau cơn mưa kéo dài
Hà Nội: Cần khắc phục tình trạng ngập lụt sau cơn mưa kéo dài
Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị Thu Huyền (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân) cho biết: “Nhà tôi sống gần đây, cứ mỗi đợt mưa to là đoạn đường gần nhà ngập, muốn đi chợ, đi làm vô cùng khó khăn. Nhiều lúc xe máy bị chết máy giữa đường không biết làm thế nào”.

Để quản lý đô thị an toàn trước thiên tai, cần kiểm soát quy hoạch, xây dựng để hạn chế bị tác động của thiên tai làm gia tăng rủi ro; xác định tiêu chuẩn tiêu thoát nước phòng, chống ngập úng phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu, chủ động phân vùng tiêu, chú trọng dành không gian cho thoát lũ; bố trí các hồ điều hòa để trữ nước tạm thời, chống ngập úng khi mưa lớn và nâng cao năng lực hệ thống tiêu thoát nước…

Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần ngăn chặn và xử lý công trình, nhà ở, đối tượng đổ chất thải lấn chiếm không gian thoát nước, đồng thời tăng cường nạo vét hệ thống tiêu, thoát nước; kiểm tra các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng; xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai theo quy hoạch, hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, hệ thống cống, trạm bơm, hồ điều hòa, các trục tiêu và kênh dẫn nước chống ngập úng; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát thiên tai, nhất là ngập úng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích