Hà Nội cần có quy hoạch xây dựng khu xử lý, tái chế, chế biến chất thải hữu cơ tập trung
Hà Nội cần có quy hoạch xây dựng khu xử lý, tái chế, chế biến chất thải hữu cơ tập trung
Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải; chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
UBND TP Hà Nội đã trình Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác triển khai lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bản thuyết minh đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đang được đăng tải để lấy ý kiến với các nội dung chính về định vị, tầm nhìn, định hướng quy hoạch; tổng quan hiện trạng và đánh giá thực hiện Quy hoạch chung 2011, cùng các dự báo phát triển; định hướng phát triển không gian; định hướng quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch hạ tầng kinh tế- xã hội; quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ môi trường; thiết kế đô thị; thực hiện quy hoạch và chương trình, dự án ưu tiên. 11 Phụ lục kèm theo là hệ thống bản đồ định hướng không gian, giao thông, cấp điện, cấp nước, nghĩa trang, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải rắn, khung tổng thể thiết kế đô thị…
Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng môi trường nông thôn Hà Nội, nghiên cứu các loại chất thải hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, phế thải chăn nuôi, chế biến nông sản và thực trạng thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội; với tư cách Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ – chuyên gia tư vấn xây dựng mô hình thí điểm xử lý chất thải hữu cơ của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, chúng tôi xin đề xuất ý kiến đối với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cụ thể là đóng góp ý kiến về định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Trong thuyết minh điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 do cơ quan tư vấn lập đồ án quy hoạch là Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng lập (tài liệu phục vụ lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và đại diện cộng đồng dân cư ); trong phần 8: Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có 8.9: Quy hoạch thu gom và xử lý nước thải, và 8.10: Quy hoạch thu gom và xử lý chất thải rắn; cũng như trong bảng 8.37: dự báo lượng chất thải phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội…đều không hề nhắc đến quy hoạch cho chất thải nông nghiệp, phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, chế biến. Không có quy hoạch cho thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế loại chất thải này.
Không chỉ có rác thải sinh hoạt, môi trường nông thôn Hà Nội còn bao gồm cả rác thải làng nghề, phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông sản sau thu hoạch và chế biến, nước thải sinh hoạt và sản xuất, rác thải nguy hại, rác thải y tế, rác thải xây dựng; các loại rác này cũng cần được thu gom, phân loại, tái chế và xử lý phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Vì vậy cần đưa vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Rác thải sinh hoạt ở 18 huyện, thị xã nông thôn của Hà Nội có khoảng 3000 tấn/ngày, trong đó trên 50% là rác hữu cơ dễ phân hủy có thể tái chế thành sinh khối hữu cơ.
Theo báo cáo của Ngành nông nghiệp, Hà Nội vẫn duy trì là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển chăn nuôi với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn: 25.000 con trâu, 129.700 con bò, đàn lợn gần 2 triệu con, gia cầm 39,9 triệu con. Như vậy, chỉ tính riêng lượng phân của gia súc, gia cầm trên toàn thành phố Hà Nội thải ra mỗi ngày cũng lên đến 12.000 tấn, gấp 4 lần lượng rác thải sinh hoạt ở ngoại thành Hà Nội. Nếu tính cả lượng nước tiểu, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và sau chế biến thì tổng lượng phế thải hữu cơ của Hà Nội gấp gần 10 lần lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn Hà Nội.
Mặc dù có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chỉ có một số trang trại chăn nuôi tập trung. Phần lớn các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội được khảo sát đều có các biện pháp xử lý chất chăn nuôi. Các biện pháp xử lý được áp dụng chủ yếu là thu gom chất thải và ủ tận dụng để bón cho cây trồng hoặc bán cho cơ sở sản xuất phân bón hoặc các nhà vườn.
Nước thải trong quá trình chăn nuôi được xử lý qua hệ thống hầm biogas, tuy nhiên, phần lớn nước thải xử lý chưa đạt quy chuẩn cho phép; khi hầm biogas đã đầy thì cũng không có giải pháp xử lý, ngoài việc xả thải ra môi trường. Công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi về cơ bản được quan tâm, song do thiếu quy hoạch, giải pháp và chính sách phù hợp nên thực trạng xử lý chất thải chăn nuôi còn nhiều hạn chế và tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở trong khu dân cư nông thôn vẫn diễn ra khá phổ biến.
Một số hộ chăn nuôi đã đưa chế phẩm vi sinh vào lĩnh vực xử lý môi trường và sử dụng trấu trong chăn nuôi, góp phần giảm mùi hôi thối của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho vật nuôi; tuy nhiên do lựa chọn vật liệu làm đệm lót và sử dụng chế phẩm vi sinh chưa chuẩn, nên hiệu quả xử lý vẫn còn thấp, và nguy hiểm hơn là phân chuồng tươi vẫn được ngang nhiên lưu hành trên thị trường; nước thải chăn nuôi, chế biến không được xử lý vẫn hàng ngày, hàng giờ thải ra môi trường.
Nếu chúng ta có quy hoạch và giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương để giải quyết đồng bộ cơ bản vấn đề phân loại và xử lý CTR sinh hoạt hữu cơ tại nguồn: từ các hộ, cụm hộ gia đình nông thôn (có đủ điều kiện) trên địa bàn mỗi địa phương; thu gom, vận chuyển và phân loại phần rác hữu cơ và rác tái chế còn lại tại điểm tập kết, trung chuyển rác tại địa phương: phần rác hữu cơ được sơ chế rồi đưa về cơ sở xử lý tập trung của địa phương, phần rác tái chế (bán được) thì bán cho các cơ sở tái chế, phần rác vô cơ còn lại khoảng 1/3 lượng rác sinh hoạt và không gây ô nhiễm thứ cấp nữa sẽ được tập kết và vận chuyển về bãi rác tập trung của thành phố.
Ngoài ra, với gần 5 triệu tấn phế thải chăn nuôi và chất thải hữu cơ sau thu hoạch và chế biến mỗi năm của ngoại thành Hà Nội, chúng ta có thể xử lý tại nguồn, tái chế thành hàng triệu tấn sinh khối hữu cơ để sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội – môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ở nông thôn Hà Nội, để xử lý rác sinh hoạt hỗn tạp có hiệu quả cần làm tốt khâu phân loại và kết hợp vài công nghệ khác nhau để xử lý; tiêu biểu nhất là ủ chất hữu cơ và đốt chất vô cơ. Đối với rác sinh hoạt đô thị có thể phân loại rồi xử lý tại nhà máy, nhưng đối với rác sinh hoạt và phế thải hữu cơ ở nông thôn thì việc phân loại và xử lý chất hữu cơ tại nguồn theo quy mô hộ, cụm hộ gia đình, hoặc ngay từ trang trại nông nghiệp (nếu đủ điều kiện) và thu gom, phân loại phần rác thải hữu cơ không đủ điều kiện phân loại tại hộ thì cho phân loại tại bãi tập kết rác của địa phương, rồi cho vận chuyển đến cơ sở tái chế rác thải hữu cơ và các loại phế thải hữu cơ khác được quy hoạch và bố trí tại địa phương là hợp lý và hiệu quả nhất. Bảo đảm mang lại kết quả bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong quản lý môi trường ở nông thôn Hà Nội, phương châm 4 tại chỗ được đề xuất là: Lực lượng tại chỗ, phân loại tại chỗ, tái chế tại chỗ, sử dụng sản phẩm sau tái chế tại chỗ. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ sẽ góp phần tích cực vào việc quản lý môi trường nông thôn Hà Nội; tránh được việc biến ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm lớn hơn.
Mục tiêu của đưa quy hoạch xử lý chất thải nông nghiệp và nông thôn ở Hà Nội vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn Hà Nội là chất thải sinh hoạt, phế thải chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, giết mổ và nước thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn phải được phân loại, thu gom ngay từ nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, giảm gánh nặng chi ngân sách cho thu gom, vận chuyển xử lý chất thải thải sinh hoạt và nâng cao hiệu quả quản lý chất thải hữu cơ khác ở nông thôn cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống ở nông thôn.
Để có quy hoạch cho xử lý môi trường nông thôn Hà Nội và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phát triển, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, trong đó quy hoạch là tiền đề, sau đó hình thành hành lang pháp lý minh bạch, ổn định, thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề, người dân tham gia.
Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải; chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế ở cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.
Cần có quy hoạch xây dựng khu xử lý, tái chế, chế biến chất thải hữu cơ tập trung nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải hữu cơ ở nông thôn cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống ở nông thôn; tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Tại khu tái chế chất thải hữu cơ tập trung này sẽ xử lý và tái chế, chế biến chất thải sinh hoạt hữu cơ sau phân loại, phế thải nông nghiệp từ hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, chế biến, giết mổ, bùn thải thoát nước và phân bùn bể tự hoại sau thu gom; để sản xuất sinh khối hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp ; tạo ra mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn.
Về nội dung điều chỉnh quy hoạch này nên triển khai ở các huyện ngoại thành Hà nội, mỗi huyện từ 3 đến 5 điểm, mỗi điểm từ 3 – 5 Ha; quy mô xử lý, tái chế chất thải hữu cơ mỗi điểm từ 200 đến 500 tấn/ngày.
Trong quá trình triển khai quy hoạch, các huyện lựa chọn và bàn giao mặt bằng sẵn có nằm trong quy hoạch dành cho môi trường và/hoặc đã đầu tư của địa phương để giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ môi trường triển khai theo hình thức thuê quản lý và vận hành (O&M) theo Luật hợp tác công tư (PPP).
TS. Nguyễn Ngọc Việt
Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị