Hà Nội: Cần chấm dứt hoạt động và xử lý những tồn tại liên quan đến Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC
(Xây dựng) – Quy hoạch “treo” khiến người dân có đất trong diện quy hoạch phải sống cảnh khốn khổ, thậm chí nhà cửa xập xệ nhưng vẫn phải “án binh bất động” là thực tế đang tồn tại ở nhiều nơi, trong đó có dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án được triển khai từ năm 1990 nhưng đến nay Công ty TNHH Xây dựng IDC – nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp.
Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC tại khu vực hồ An Dương “treo” 30 năm (Ảnh: Đình Phong). |
Dân sống khổ trên đất quy hoạch “treo”
Liên quan đến việc thực hiện các dự án trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng kéo dài lâu năm trên địa bàn quận Tây Hồ như dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC (phường Yên Phụ), cử tri cho biết đây là một trong những dự án đã quy hoạch từ rất nhiều năm và nhiều nhà ở của các hộ dân trong các khu vực dự án đã xuống cấp.
Trước thực tế trên, cử tri đề nghị thành phố Hà Nội sớm kiểm tra, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc liên quan việc triển khai dự án, nếu không thực hiện thì xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân dân trong khu vực được cải tạo, sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống.
Trả lời cử tri về vấn đề này, đối với dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC (dự án IDC) UBND thành phố cho biết, dự án được triển khai từ năm 1990.
Ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 914/QĐ-TTg thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty Xây dựng IDC) sử dụng để thực hiện dự án.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, Chủ đầu tư thực hiện; có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tuy nhiên theo UBND Thành phố Hà Nội, đến nay còn vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được 7.901m2, còn lại 6.096m2 đất chưa giải phóng mặt bằng; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho Chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến Chủ đầu tư chưa được giải quyết.
Đến năm 2016, UBND Thành phố có chỉ đạo chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Tây Hồ, Công ty Xây dựng IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất UBND Thành phố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án.
Đến nay, theo UBND thành phố, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đang, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.
Hiện nay Luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định đối với trường hợp dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của nhà đầu tư vượt thẩm quyền của UBND Thành phố (phân lô bán nền, đền bù đất thực hiện dự án tại địa điểm khác, hoàn trả tiền sử dụng đất theo giá trị hiện tại…). Liên ngành thành phố đã họp và thống nhất nhà đầu tư, đề nghị UBND Thành phố báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của liên bộ, thanh kiểm tra các dự án “treo”
Có thể thấy, dự án “treo” là thực trạng nhức nhối không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương trên cả nước, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân gặp khó khăn. Vừa qua, nhiều cử tri cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước nhằm giải quyết căn cơ tình trạng này.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ đã trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo cụ thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra trách nhiệm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn…
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Để người dân được trả lại các quyền và lợi ích hợp pháp, ngày 17/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 (viết tắt là Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 cho phép người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện quy hoạch “treo” trên 3 năm. Cụ thể, tại mục 5 (Khoản 33, Điều 1) về “Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời” quy định trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai…
Nguồn: Báo xây dựng