Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề

(Xây dựng) – Các tuyến đường dành riêng cho người đi bộ đã được đưa vào khai thác từ vài năm qua trên phố Thái Hà và ven sông Tô Lịch, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời tạo không gian, cảnh quan cho thành phố. Mặc dù đã được chỉnh trang, bổ sung thêm tiện ích nhưng trên thực tế các tuyến đường vẫn chưa thể phát huy được hết mục đích, công năng như kỳ vọng ban đầu, thậm chí một số nơi còn bị lấn chiếm làm nơi tập kết rác, phế liệu xây dựng.

Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Đường đi bộ trên phố Thái Hà bị lấn chiếm để tập kết phế liệu.

Được thi công và đưa vào khai thác từ năm 2020, tuy nhiên cho tới nay, đoạn đường dành cho người đi bộ dài khoảng 400m từ ngã tư Thái Hà – Yên Lãng đến Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vẫn vắng bóng người qua lại, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải, phế liệu xây dựng. Khi được xây dựng, tuyến đường này được kỳ vọng trở thành đường di chuyển an toàn, xanh mát phục vụ người dân trên con phố Thái Hà vốn rất đông đúc.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tuyến đường đi bộ này hiện đang khá bừa bộn, nhếch nhác. Tại các lối vào, phế liệu xây dựng và rác thải của người dân bị đổ bừa bãi, bịt kín lối đi lại. Không chỉ vậy, một số lối vào còn bị chặn bởi phương tiện dừng đỗ bừa bãi, khiến cho việc ra vào tuyến đường đi bộ này là điều không thể.

Chị Phan Thùy Trang (24 tuổi, trú tại Thái Hà, Đống Đa, Thành phố Hà Nội) chia sẻ, chị thường xuyên di chuyển bằng xe buýt nên đi qua đoạn đường đi bộ này rất nhiều. Tuy nhiên lối vào thường xuyên bị ô tô đỗ kín, rác cũng bị vứt nhiều nên chị thường phải đi bộ xuống lòng đường để tới điểm chờ xe buýt, vừa bất tiện vừa nguy hiểm.

Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Ôtô dừng đỗ bừa bãi, chắn lối ra vào đường đi bộ.
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Tình trạng tập kết rác thải và phế liệu xây dựng vẫn tiếp diễn tại đây.

Một tuyến đường khác dọc theo ven sông Tô Lịch dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tuyến đường đi bộ và xe đạp ven sông Tô Lịch do Sở Giao thông vận tải Hà Nội đầu tư xây dựng, có tổng chiều dài khoảng 4km, mặt đường rộng 4m.

Trái với kỳ vọng ban đầu là tạo không gian cho người dân di chuyển, thúc đẩy thói quen đi xe đạp, góp phần giảm ùn tắc giao thông thì một đoạn dài trên tuyến đường này lại đang bị ngó lơ, trở thành điểm tập kết rác thải, cỏ dại mọc um tùm. Không chỉ gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, nhiều địa điểm trên tuyến đường này thậm chí còn tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có một số đoạn thuộc đường dành cho người đi bộ và xe đạp này phải dừng hoạt động, nhường không gian cho dự án xử lý nước thải Yên Xá. Cho tới nay, trên đoạn đường từ ngã tư Cầu Giấy – Bưởi – Láng tới cầu 361, vẫn còn khu vực đường đi bộ bị quây kín, nhường chỗ cho công trường. Các phương tiện, thiết bị của đơn vị thi công dự án cũng đỗ kín lối ra vào đoạn đường đi bộ này.

Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Rác thải được tập kết ngay sát lòng đường, bốc mùi gây khó chịu cho người đi bộ, đi xe đạp trên đoạn đường này.
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Cỏ dại mọc um tùm, tràn xuống lòng đường trên tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp ven sông Tô Lịch.
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Phương tiện, thiết bị xây dựng của dự án xử lý nước thải Yên Xã đỗ kín lối vào đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp.
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Đoạn đường đi bộ bị quây kín, nhường chỗ cho công trường dự án xử lý nước thải Yên Xá.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 30/5/2024, dù còn nhiều vấn đề tồn đọng, đoạn đường đi bộ từ cầu 361 tới ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng đã được chỉnh trang, từng bước được đưa vào sử dụng đúng công năng, mục đích.

Từ đầu tháng 2/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức thí điểm làn đường cho xe đạp tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa, chạy dọc đường Láng (Hà Nội). Tuyến đường dài khoảng 2,7km đã được bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng chờ xe buýt. Mặt đường, cây cối trên giải phân cách cũng được dọn dẹp, cắt tỉa tương đối gọn gàng.

Được biết, mục tiêu của tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch là từng bước đồng bộ hạ tầng kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn – ga Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn trên cao vào tháng 6 tới đây.

Chia sẻ với phóng viên, anh Ngô Quang Xô (24 tuổi, trú tại phố Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Khoảng 2 tháng gần đây, tôi thường xuyên dắt thú cưng đi dạo tại cung đường này, thoáng mát và rộng rãi cho chó chạy nhảy, nhưng trẻ nhỏ thì tôi thấy chưa nên. Bởi đường cũng chưa gọn gàng lắm, bụi rậm còn nhiều, có thể có rác thải sắc nhọn bên dưới.

Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Một đoạn phố đã được chỉnh trang, người dân có thể sử dụng để đi dạo hoặc tập luyện thể dục thể thao.
Hà Nội: Các tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp đã cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề
Băng rôn khuyến khích người dân trải nghiệm tuyến đường dành riêng cho người đi bộ và xe đạp.

Mong rằng các tuyến đường được đầu tư với kỳ vọng rất lớn này sẽ sớm được chỉnh trang toàn bộ, đưa vào hoạt động trở lại để góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông, tạo không gian thoáng mát, sạch sẽ cho người dân và tạo dựng mỹ quan đô thị, trở thành một điểm nhấn nổi bật của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích