Hà Nội: Các công trình sai phép, vi phạm quy chuẩn về PCCC sẽ áp dụng biện pháp cắt điện, nước
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện này có hơn 31.000 nhà trọ và hơn 39.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Kết quả sau khi thành phố, phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát đã phát hiện gần 10.000 lỗi vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư mini, nhà thuê trọ. Ngoài ra Công an thành phố cũng đã ban hành, đề xuất trên 670 quyết định tạm đình chỉ hoạt động và 76 quyết định đình chỉ hoạt động với chung cư mini, nhà trọ.
Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện nay việc kiểm tra vẫn đang tiếp tục được tiến hành nhằm kiên quyết xử lý tạm đình chỉ đối với hoạt động công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm về PCCC, không để phát sinh những công trình vi phạm mới. Đối với các công trình chủ đầu tư chây ì không khắc phục sẽ kiên quyết chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý. Bởi thực tế, việc không tuân thủ quy định pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế xây dựng của các công trình nhà ở riêng lẻ, là nguyên nhân chính gây ra những vụ cháy nghiêm trọng gây hậu quả thương tâm trong thời gian gần đây.
Trong số đó điển hình là vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân làm 56 người tử vong và 37 người bị thương. Tiếp đến là vụ cháy tại nhà trọ kết hợp kinh doanh xe điện tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương. Gần đây nhất là vụ ngôi nhà 6 tầng một tum ở số 207 phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cháy dữ dội trong mưa lớn. Sau khi dập tắt đám cháy, lực lượng chức năng phát hiện 4 thi thể.
Hà Nội được cắt điện, nước các công trình vi phạm về PCCC. Ảnh minh họa
Liên quan tới tình trạng này, mới đây Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi Luật Thủ đô 2012), tại Điều 33 của Luật này nêu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, PCCC, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt, kinh doanh vi phạm về PCCC.
Quy định này áp dụng với các công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Đồng thời, công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai; công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
Ngoài ra, biện pháp cắt điện, nước cũng được áp dụng với công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.
Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật xác định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô. Với Thủ đô cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về PCCC, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về PCCC trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Luật được thông qua cũng quy định rõ, trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ điện, nước trong việc ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền. Theo đó, người cung cấp dịch vụ điện, nước phải thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.
Với hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giao kết trước ngày luật có hiệu lực thi hành, các bên tham gia hợp đồng có trách nhiệm bổ sung hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng để thể hiện nội dung liên quan đến việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 về PCCC
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 về PCCC- Phương tiện PCCC cho nhà và công trình, trang bị, bố trí do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Tiêu chuẩn này hướng dẫn, nhà, công trình, khoang cháy dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng được phân thành các nhóm F1, F2, F3, F4, F5.
Nhà, công trình và gian phòng có công năng sản xuất và kho theo tính nguy hiểm cháy và cháy nổ được phân thành các hạng A, B, C, D, E theo quy định.
Nhà, công trình, hạng mục/khu vực, gian phòng, buồng và thiết bị đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo quy định không phụ thuộc vào chủ sở hữu và đơn vị chủ quản theo pháp nhân phải trang bị các phương tiện, hệ thống PCCC theo quy định của tiêu chuẩn này.
An Dương (T/h)