Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định

(Xây dựng) – Tình trạng dán tờ rơi quảng cáo bừa bãi lên tường, cột điện, biển báo tại Hà Nội đang ngày càng trở nên phổ biến, gây mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường.

Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định
Dưới chân ga Nhổn của Metro Nhổn – Ga Hà Nội, thanh niên này ngang nhiên dán tờ rơi quảng cáo rao vặt ngay trên trụ cầu.

Di chuyển dọc các con phố trong nội thành Hà Nội, không khó để bắt gặp những tờ rơi quảng cáo đủ màu sắc được dán chằng chịt trên tường, cột điện, biển báo… Đặc biệt, tại những tuyến phố kinh doanh ăn uống như: Phố Nguyễn Khánh Toàn, phố Trung Hoà, bờ sông Quan Hoa (quận Cầu Giấy), phố Đội Cấn (quận Ba Đình)… đều trở thành những địa điểm “lý tưởng” để dán tờ rơi, treo biển quảng cáo nhỏ.

Đa phần các nội dung quảng cáo này là các dịch vụ cho thuê phòng trọ, sửa chữa nhà, thông tắc bể phốt, hỗ trợ vay trả góp… Nhiều bức tường, cột điện có tờ rơi mới dán đè lên tờ cũ hoặc vết bóc xoá một cách nham nhở, nhếch nhác. Hành vi này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của đô thị, gây phiền toái cho người dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, là nguồn cơn của những tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, vay nặng lãi, lừa đảo việc làm…

Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định
Tờ rơi quảng cáo, rao vặt dán chi chít trên bức tường trước cổng trường Đại học Điện lực (quận Bắc Từ Liêm). Vết bóc tờ rơi cũ chưa hết, tờ mới đã bị dán đè lên trên khiến cho bức tường trở nên nhem nhuốc.

Chia sẻ cùng phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bạn T.V.A, một sinh viên đại học đã từng dính bẫy việc làm lừa đảo khi gọi điện tìm việc ở số điện thoại trên tờ rơi: “Họ yêu cầu em chuyển khoản đến số tài khoản cá nhân để nộp tiền cọc tìm việc, nhưng khi em nộp tiền xong thì họ chặn số điện thoại, không liên lạc được”, T.V.A bộc bạch.

Cũng theo chị N.T Hoà, người dân trú tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình) chia sẻ, do nhà nằm ngoài mặt đường, nên việc tường nhà bị dán đủ thứ quảng cáo, rao vặt là chuyện thường xuyên xảy ra. Các đối tượng thường dán tờ rơi vào buổi tối muộn, thời điểm ít người qua lại nên gia đình khó có thể kiểm soát được. Chị N.T Hoà cho biết: “Cứ vừa gỡ cái này xong là hôm sau lại thấy nhiều cái mới dán đè lên trên đó”.

Khi phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp cận một thanh niên đang thực hiện hành vi dán tờ rơi quảng cáo trái phép, thanh niên này cho biết, anh ta được một bên doanh nghiệp thuê để phát tờ rơi tại cổng trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, thanh niên trên lựa chọn dán các tờ rơi quảng cáo này trên các trụ tàu dọc tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội, thay vì phát tờ rơi như ban đầu.

Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định
Những quảng cáo rao vặt trái phép gây mất mỹ quan đô thị.

Trên thực tế, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân, nỗ lực bóc gỡ, xoá các tờ rơi quảng cáo nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Để đảm bảo mỹ quan đô thị, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo quyết liệt các phường thường xuyên ra quân, tổ chức xóa bỏ các tờ rơi quảng cáo rao vặt trái phép trên địa bàn. Bà Ngô Thị Minh Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận cho biết, nhằm xử lý triệt để tình trạng này, quận đã yêu cầu các phường tổng hợp số điện thoại in trên các tờ rơi để gửi Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội xử phạt theo quy định.

Hà Nội: Bức xúc vấn nạn dán tờ rơi quảng cáo không đúng quy định
Ngôi nhà 2 mặt tiền với vị trí đẹp, nhiều người qua lại là địa điểm thường xuyên bị dán tờ rơi trái phép.

Căn cứ theo Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi dán tờ rơi, quảng cáo trên cột điện bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng và buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo.

Mặc dù quy định xử phạt đầy đủ, rõ ràng nhưng việc xử phạt đối với những hành vi này lại rất hạn chế, khiến tình trạng dán, treo tờ rơi ở nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Thành phố Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp để tạo thành một lực lượng tổng hợp trong việc bảo vệ mỹ quan đô thị.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích