Hà Nội bị ô nhiễm bụi trên diện rộng: Xây dựng vùng phát thải thấp để kiểm soát và hạn chế tác hại
Ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa hàng đầu đến sức khỏe của người dân Hà Nội. Tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, không khí của thủ đô Hà Nội bị ô nhiễm bụi PM2.5 trên diện rộng, nguồn giao thông (khí thải giao thông và bụi đường) đóng góp ở mức cao nhất trung bình khoảng 56% tổng lượng phát thải bụi năm 2019 và có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ đối với NO2 và O3.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, giao thông đường bộ (gồm khí thải giao thông và bụi đường) là nguồn đóng góp lớn vào ô nhiễm bụi PM2.5 và PM10 tại Thủ đô Hà Nội.
Theo kết quả kiểm kê phát thải trong nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019 nguồn giao thông (bao gồm bụi do các mảnh từ lốp xe, phanh xe và mặt đường) chiếm tỷ lệ 66,3% đối với PM2.5 và hơn 54% đối với PM10.
Trước thực trạng ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã đề xuất các mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường vào Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua.
Theo đó, tại điểm a Khoản 2a Điều 28 của Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua đã giao Hội đồng nhân dân thành phố có trách nhiệm quy định về tiêu chí, điều kiện và trình tự thủ tục xác định vùng phát thải thấp; Quyết định vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp.
Theo bà Lê Thanh Thuỷ – Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, việc thể chế hóa xây dựng “Vùng phát thải thấp” trong Luật sẽ giúp Hà Nội có lợi thế trong thực hiện vùng pháp thải thấp và từ đó cải thiện chất lượng không khí. “Khu vực phát thải thấp” là nơi chúng ta sẽ có sự điều tiết, sắp xếp lại về mặt giao thông để giảm phát thải từ các hoạt động giao thông tại một khu vực của thành phố Hà Nội. Chúng ta không thể kỳ vọng, xây dựng vùng phát thải thấp, thì vùng đó không ô nhiễm mà để hạn chế ô nhiễm. Nếu xây dựng được vùng phát thấp thì chúng ta sẽ giảm phát thải được cho khu vực đó, khu vực lân cận và cho cả thành phố. Ngoài ra, xây dựng hình ảnh, thể hiện sự cam kết của Chính phủ và sự tham gia đồng thuận của người dân đối với khu vực phát thải.
Việc xác định khu vực phát thải thấp, người ta thường dựa vào tiêu chí đặc điểm cư dân, kinh tế, sử dụng đất. TS Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, thông thường, việc xây dựng “vùng phát thải thấp” ở những khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, xã hội, là nơi tập trung đông người nhưng lại bị ô nhiễm không khí cao, chủ yếu do các hoạt động giao thông vận tải gây ra. Do vậy, ngoài việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải cũng cần phải tổ chức được luồng phương tiện giao thông đi vòng tránh “vùng phát thải thấp”.
“Nếu chúng ta giải quyết được bài toán giao thông đô thị xanh, sạch thì chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết triệt để về ô nhiễm môi trường. Mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường cho khu vực đô thị, Trong giai đoạn ban đầu hạn chế xe có phát thải cao vừa hạn chế ùn tắc giao thông vừa sử dụng các phương tiện xanh hơn so với hiện tại”, TS Đinh Thị Thanh Bình cho biết.
“Vùng phát thải thấp” là một biện pháp chính sách cải thiện chất lượng môi trường không khí thông qua hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Vùng phát thải thấp thường được triển khai dựa vào áp dụng và/hoặc nâng mức tiêu chuẩn khí thải hiện hành tại mỗi quốc gia/thành phố đó.
Từ đó, cùng với các biện pháp thực thi cụ thể, “Vùng phát thải thấp” góp phần giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí từ khí thải của tất cả các phương tiện đi vào khu vực vùng phát thải thấp. Biện pháp này đã được các thành phố phát triển trên thế giới và trong khu vực thực hiện, từ đó mang lại các lợi ích đáng kể về cả kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
Theo các chuyên gia, xây dựng “Vùng phát thải thấp” sẽ giúp làm giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí như nitơ dioxit (NO2), bụi mịn (PM), CO, HC, khói xe gây ô nhiễm, nhờ đó bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm các bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch; cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại một số khu vực/ thời gian cụ thể. Ngoài ra, vùng phát thải thấp là khung chính sách để thúc đẩy các giải pháp giao thông phát thải thấp để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Chu Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) bày tỏ về tính khả thi của dự án thiết lập “Vùng phát thải thấp” của Hà Nội, mô hình trên thế giới, nhiều thủ đô đã làm rồi, như thủ đô Berlin của Đức đã làm từ lâu rồi. Dự kiến cái này đã làm từ lâu, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị kỹ rồi, bây giờ chú tâm vào các biện pháp bằng được các chỉ tiêu đã đề ra, tôi cho rằng có tính khả thi. Nếu có biện pháp làm tốt thì sẽ thành công còn nếu cứ có kiểu làm dở chừng thì không thành công. Cần phải có thay đổi tư duy, thay đổi biện pháp quản lý mới thành công được.
Liên quan tới kế hoạch xây dựng “Vùng phát thải thấp”, trước đó Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua tờ trình nghị quyết xây dựng “Vùng phát thải thấp” (LEZ).
Ông Đàm Văn Huân, Trưởng Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, theo lộ trình đặt ra, bắt đầu từ năm 2025 thành phố sẽ thực hiện thí điểm ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình.
Khi xây dựng đề án nghị quyết lưu ý cơ quan thực hiện phải nêu được các nội dung: Sự cần thiết tổ chức vùng phát thải thấp, hiện trạng chất lượng không khí, mật độ giao thông và các nguồn phát thải trong khu vực; các biện pháp, giải pháp, lộ trình áp dụng trong vùng phát thải thấp; kết quả lấy ý kiến của tổ chức có trụ sở tại vùng phát thải thấp, cá nhân cư trú, làm việc tại vùng phát thải thấp và các đối tượng khác có liên quan.
Sau đó, cơ quan lập đề án có trách nhiệm niêm yết công khai đề án và các bản vẽ, thuyết minh, tài liệu kỹ thuật có liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức lấy ý kiến của tổ chức có trụ sở tại vùng phát thải thấp, cá nhân cư trú trong vùng phát thải thấp trong thời gian tối thiểu 30 ngày; lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải của thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp được UBND thành phố báo cáo và cơ quan thẩm tra cũng đồng thuận là theo 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 thành phố thực hiện thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; cùng với đó, khuyến khích các quận trong khu vực nội đô lịch sử lập vùng phát thải thấp. Giai đoạn từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn thành phố đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết sẽ thực hiện vùng phát thải thấp.
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng nghị quyết quy định thực hiện “Vùng phát thải thấp” để trình Hội đồng Nhân dân thành phố vào tháng 12/2024. Nếu nghị quyết được thông qua, từ ngày 01/01/2025, Hà Nội sẽ có hành lang pháp lý chính thức để xây dựng “Vùng phát thải thấp” và là cơ sở cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã làm căn cứ triển khai thực hiện.
An Dương (T/h)