Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?

Chẳng biết tự bao giờ, câu chuyện Hà Nội lụt lại trở thành chất liệu cho thi ca, để những điệp khúc cứ hằng cất lên khi trời nổi mây đen.

Lôi được chiếc xe máy ra khỏi nhà liền đối mặt với con ngõ ngập túp tới mắt cá chân với lềnh phềnh là rác. Khi men ra tới đường lớn, lại phải đương đầu với “biển lớn”, một bên là dòng xe cộ ùn tắc chen chúc nép vào chân cột tàu điện trên cao để tránh mưa, tránh ngập, bên còn lại là nước ngập hơn nửa lòng đường Nguyễn Trãi…

Hà Nội “lụt từ ngã tư đường phố”. Hà Nội “cứ mưa là ngập”. Hà Nội “thuyền ghe lướt trôi êm đềm”… Chẳng biết tự bao giờ, câu chuyện Hà Nội lụt lại trở thành chất liệu cho thi ca, để những điệp khúc cứ hằng cất lên khi trời nổi mây đen. Bao giờ lụt mới không còn là “đặc sản” của Hà Nội?

Nhật trình ngày lụt

Trận ngập ngày 28.9 vừa rồi không khiến nhiều người dân Hà Nội bất ngờ, bởi có lẽ đã quen với những cơn ngập thường kỳ diễn ra mỗi năm. Vẫn là cảnh tượng quen thuộc: Mưa lớn xảy ra vào đúng thời điểm đầu buổi sáng, giờ người dân đi làm khiến giao thông tại Hà Nội ùn tắc, hỗn loạn. Nhưng những bất tiện tai hại do nó gây ra thì không khiến người ta bớt khó chịu đi. Cái tính thích ứng của người Việt: tặc lưỡi phải tập sống chung với lũ mà thôi.

tm-img-alt
Khuôn viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội thành hồ nước sau trong trận mưa. Ảnh: CTV

Hỏi một sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, ống quần xắn quá gối, hiện đang cư ngụ ở một chung cư mini trên địa bàn Cầu Giấy (gần đây cứ nghe tới cụm “chung cư mini” thôi chợt thấy rợn người) mới biết, hành trình đến trường của sinh viên này quả là một cuộc hành hương khổ nạn. Lôi được chiếc xe máy ra là đối mặt với con ngõ ngập túp tới mắt cá chân với lềnh phềnh là rác. Rác sinh hoạt, rồi rác từ chợ cóc gần đó tanh nồng. Chỉ cần hai xe máy tránh nhau trong ngõ hẹp là sóng rác sau xô sóng rác trước với tia nước bắn kinh hoàng. Thế để thấy, lúc thiếu nước (để cứu hỏa) thì nối ống mãi không ra, nhưng lúc thừa nước (lụt) thì chả bao giờ hết.

Nỗ lực và niềm tin vào chiếc xe máy cũ của sinh viên này được đền đáp, khi men ra tới đường lớn. Nhưng rồi cô phải đương đầu với “biển lớn”, một bên là dòng xe cộ ùn tắc chen chúc nép vào chân cột tàu điện trên cao để tránh mưa, tránh ngập, bên còn lại là nước ngập hơn nửa lòng đường Nguyễn Trãi. May thay đến cổng trường, chiếc xe mới đầu hàng và rồi sinh viên này phải dắt nó vào sân trường nước ngập… gần đến bụng.

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Học sinh lội nước vào trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội sáng 28.9. Ảnh: Võ Hải/ VNexpress
Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Giao thông chen chúc là cảnh tượng quen thuộc mỗi khi Hà Nội ngập lụt. Ảnh: Vietnamnet

Trên internet thậm chí còn xuất hiện video clip được cho là một nam sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên bơi lội trong ký túc xá Mễ Trì, một điểm trũng thấp của quận Thanh Xuân. Đến ban giám hiệu cũng bó tay đành cho toàn bộ học sinh nghỉ học.

Đó là nhật ký của một ngày lụt ở Hà Nội. Hầu khắp tuyến đường, ngõ ngách bị ngập, nước tràn vào công sở, nhà dân. Các cửa hàng sửa chữa xe máy chật kín người đứng chờ sửa xe, nhân viên làm việc gấp 10 lần ngày thường.

Ngưỡng “sống chung với lũ” của Hà Nội

Thử tìm hiểu xem ngưỡng chống chịu của hạ tầng chống lụt Hà Nội là mức nào? Trận mưa hôm 28.9 vừa rồi, Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay mưa chia làm hai đợt. Đợt đầu từ 0 giờ đến 6 giờ, đợt hai kéo dài một tiếng từ 8 giờ đến 9 giờ. Lượng mưa cao nhất ghi nhận ở quận Hà Đông 124 mm; Hoàng Mai 123 mm; huyện Hoài Đức 96 mm; quận Thanh Xuân 91 mm.

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Từ thời điểm 10h30 sáng 28.9, trên tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã xuất hiện ngập úng cục bộ từ 20-30mm. Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+

Còn năm ngoái, đợt ngập diện rộng, lớn nhất Hà Nội là đợt 29-30.5.2022 làm xuất hiện khoảng 100 điểm ngập, giao thông hỗn loạn, do mưa vượt giá trị lịch sử (2 giờ mưa 138 mm).

Còn trận lụt lịch sử năm 2008 theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng bằng Bắc bộ thống kê, lượng mưa đo ở khu vực Láng là 340 mm, theo Đài truyền hình Việt Nam là 420 mm.

Mưa lớn vượt quá tần suất thiết kế là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập lụt ở Hà Nội. Hệ thống hạ tầng hiện chỉ đáp ứng được với những trận mưa có cường độ 50 mm/2 giờ. Với những trận mưa từ 50 mm đến 100 mm, hệ thống tiêu quá tải và xuất hiện trên 10 điểm ngập tồn tại nhiều năm nay. Với những trận mưa trên 100 mm, trên địa bàn thành phố sẽ xuất hiện nhiều điểm ngập mới.

Vậy là chúng ta đã có đáp án ngưỡng có thể chống chịu ngập lụt của Hà Nội.

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Trục đường tại một khu đô thị mới tại Hà Nội trở thành “sông” sau trận mưa. Ảnh: Reatimes

Quản trị lụt: phải từ góc nhìn bền vững

Thiên tai chỉ là nguyên nhân khách quan, trực tiếp và ngẫu nhiên. Còn “nhân tai” mới là nguyên nhân chủ quan mang tính hệ thống và nhân quả trong một thời gian dài. Mỗi khi lụt là các nhà quản lý và chuyên gia lại chỉ ra những nguyên nhân cố hữu: hệ thống thoát nước của Hà Nội thiếu đồng bộ và không được đầu tư trong nhiều năm; dự án thoát nước chậm tiến độ; bất cập trong đầu tư quy hoạch; diện tích mặt nước, cây xanh giảm…

Cũng dễ lý giải, khi diện tích đất đô thị ngày càng được phục vụ cho nhu cầu xây dựng nhà ở, chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ thì quỹ đất dành cho công viên cây xanh, hồ điều hòa ngày càng giảm.

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Nút giao Phạm Hùng và đại lộ Thăng Long nhìn từ trên cao. Ảnh: TL

Theo số liệu báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội chỉ là 2,06m2/người, không đạt mức tối thiểu của tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái, cũng như chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Một thống kê khác cho thấy, vào năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100 ha mặt nước, sụt giảm chỉ còn khoảng 1.165 ha vào năm 2016 và ngày càng có xu hướng giảm. Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), tính từ năm 2010 – 2017, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn nhưng chỉ bổ sung 7 hồ mới. Quận Đống Đa vốn có nhiều ao hồ nhất với trên 30 hồ, nhưng đến năm 2015 đã có 4 hồ bị san lấp.

Hà Nội bao giờ hết ngập lụt “bền vững”?
Theo ứng dụng quan trắc của Công ty Thoát nước Hà Nội, sáng 28.9, lượng mưa đo được có nơi lên tới 100mm như trạm bơm hồ Linh Đàm (95mm), Mộ Lao (Hà Đông) 86mm, Yên Nghĩa (Hà Đông) 109mm, Thanh Xuân 83mm… Ảnh: Hoài Nam

Còn một số quận không thay đổi số lượng ao thì diện tích mặt nước lại bị thu hẹp đáng kể. Điển hình là tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 – 2017, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000 m2. Trước đây hồ Tây rộng hơn 500 ha nhưng sau khi kè vào năm 2010 chỉ còn 460 ha. Nước mưa tự sinh ra nhưng không tự mất đi, phải cần chỗ thoát. Các hồ điều hòa giảm, đương nhiên là sức chứa nước lụt giảm.

Một trong những điểm ngập úng trầm trọng và thảm hại nhất vừa rồi là khu đô thị mới An Khánh, nút rẽ vào từ đại lộ Thăng Long. Một số hầm chui đại lộ Thăng Long cũng bị ngập do hai bên đường trước đây là ruộng lúa, đến nay trở thành các khu đô thị, khu công nghiệp. Rõ ràng, cao độ nền và hệ thống tiêu thoát của các khu đô thị mới hoàn toàn chưa hoàn chỉnh và đáp ứng tương xứng với quy mô xây dựng.

tm-img-alt
Cổng vào khu đô thị An Khánh và Thiên đường Bảo Sơn vẫn ngập có nơi sâu nửa mét vào chiều tối 28.9 Ảnh: VNexpress

Sâu xa hơn, vấn đề phải được nhận diện và giải quyết ngay từ khâu quy hoạch. Không thể tách rời quy hoạch xây dựng như hiện nay mà cần được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Không thể giữ nguyên cách tiếp cận, phương pháp, công cụ và năng lực của đội ngũ quy hoạch. Không thể cứ xây vào hành lang thoát lũ của sông Hồng sang lưu vực sông Đáy, Nhuệ, để tạo ra hiệu ứng dây chuyền khiến cho những khu vực trở thành “rốn lũ”. Hay là cứ để mặc các trục tiêu thoát nước chính như sông Nhuệ, Tích, Đáy, Ngũ Huyện Khê, Cầu Bây và các kênh tiêu nhánh luôn trong tình trạng ứ tắc, chết dòng?!

Mưa lớn ngập, mưa nhỏ cũng ngập. Đầu thế kỷ 21 ngập. Đến năm 2023 vẫn ngập? Không lẽ người dân đô thị sẽ phải “sống chung” với ngập lụt mỗi khi trời mưa?

Hiện đại hoá công tác dự báo

Một trong những biện pháp đối phó với lụt hiệu quả trước tiên, nằm ở khâu dự báo và cảnh báo lũ, ngập lụt. Hiện nay, phần lớn các quan hệ dự báo bằng biểu đồ đã được tin học hóa bằng các phương trình hồi quy. Trong đó, phương pháp hồi quy nhiều chiều hoặc tương quan nhiều biến có khả năng đáp ứng được yêu cầu cảnh báo, dự báo lũ hiện tại cho các địa phương khi dự báo viên trình độ còn hạn chế.

Thế mà có một hiện tượng không chính thức là nhiều người dân bớt tin vào năng lực dự báo nhà đài, thay vào đó phó thác tin cậy vào những ứng dụng thời tiết khác, hay những nền tảng quốc tế như AccuWeather, Windy hơn… Đến Google còn cung cấp một tính năng dự báo lũ lụt tích hợp ngay trong ứng dụng Map. Người dân biết để bố trí, nhưng quan trọng hơn cả, là những đơn vị xử lý ngập lụt – thoát nước, họ cần thông tin chuẩn xác để còn có biện pháp trù bị đề phòng hơn là đối phó úng ngập tại chỗ.

Hay liệu có thể đầu tư bóng thám không (khí cầu thời tiết) để ngoài đo áp suất, tốc độ gió, nhiệt độ và độ ẩm có thể đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao, từ đó có cơ sở dự báo những khu vực sẽ có lượng mưa bất thường, góp phần giảm thiểu tình trạng “trở tay không kịp”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích