Hà Nội ban hành điều kiện để F0 được chữa trị tại nhà
Hà Nội ban hành điều kiện để F0 được chữa trị tại nhà
Đối tượng quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký và ban hành Phương án số 276/PA-UBND về việc cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 (F0) trên địa bàn Thành phố.
Nội dung văn bản nhấn mạnh, phương án này được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc Covid-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất cho người bệnh; được cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà theo quy định của Bộ Y tế.
Theo đó, người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Đồng thời, F0 sẽ không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít.
Tiếp đến, độ tuổi người nhiễm đối với trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.
Theo văn bản, người nhiễm Covid-19 có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có đơn đăng ký gửi ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú. Qua quá trình thẩm định, ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn sẽ ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp này.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với F0 cách ly y tế tại nhà, Hà Nội yêu cầu người ở cùng nhà, cán bộ y tế và các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, trước cửa nhà người nhiễm phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”.
Trách nhiệm quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà thuộc về ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; Phòng khám và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; Nhân viên tham gia công tác quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà (tổ covid-19 cộng đồng, các tổ chức xã hội, đoàn thể…).
Người thực hiện cách ly y tế tại nhà phải chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà, có cam kết với chính quyền địa phương; Không ra khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình cũng như những người khác; Luôn thực hiện thông điệp “5K” và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Không dùng chung các đồ dùng, vật dụng cá nhân với người trong cùng gia đình.
Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định; Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly…
Ban hành kèm theo phương án, hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà quy định, về cơ sở vật chất cách ly y tế tại nhà là nhà ở riêng lẻ; căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư. Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị