Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái

(Xây dựng) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái
Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hà Nam với diện tích là 861,93 km2; gồm 06 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục. Phía Bắc tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Nam Định, phía Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp – công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế – xã hội lớn; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 – 2030 đạt 758 nghìn tỷ đồng; phấn đấu kinh tế số chiếm 25-30% GRDP…

Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Hà Nam phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, bền vững với các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hoá, tâm linh, sinh thái, thể dục thể thao. Môi trường xã hội tỉnh Hà Nam văn minh, hiện đại, dân chủ, con người Hà Nam phát triển toàn diện. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phương hướng phát triển các ngành quan trọng

Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nam phát triển công nghiệp – công nghệ cao – đô thị – dịch vụ du lịch thương mại.

Giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam phát triển đô thị – công nghiệp – công nghệ cao – dịch vụ du lịch thương mại.

Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô… Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là hoàn thành và thu hút đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử – bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới.

Hà Nam khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, đưa Hà Nam trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích