Hà Nam: Phát triển KHCN và ĐMST – động lực bứt phá về năng suất, chất lượng

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng; là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh; là nền tảng thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật và công nghệ.

Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo của địa phương, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm, đơn vị nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học là chủ thể nghiên cứu, Nhà nước đóng vai trò định hướng, điều phối và kiến tạo môi trường thuận lợi; Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh và tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài. Chủ động, ưu tiên tiếp nhận, làm chủ và nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực quan trọng để tăng cường sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường sinh thái, thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại; đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm của tỉnh.

Cụ thể, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp là 20% (năm 2025), 30% (năm 2030), góp phần thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 10,7%/năm (đến năm 2025), trên 11%/năm (đến năm 2030); Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ giai đoạn 2021-2025 tăng 2 lần, giai đoạn 2026 – 2030 tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2016 – 2020; 100% bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích của tỉnh được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Giá trị giao dịch hàng hoá khoa học và công nghệ hàng năm tăng khoảng 10%. Tỉ trọng giao dịch tài sản trí tuệ, giao dịch công nghệ trong nước, trong đó có giao dịch công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học và công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt từ 7% đến 10%; Phấn đấu đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đạt tối thiểu 25%; Số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2030 tăng 3 lần so với năm 2020.

Số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng bình quân 10%/năm, trong đó số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 5%/năm; 100% sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường hoặc có yêu cầu đặc thù về quá trình sản xuất, tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn được quản lí bằng quy chuẩn kĩ thuật quốc gia vào năm 2025;

Định hướng chủ yếu, thứ nhất, định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, bao trùm, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, các ngành có năng suất và giá trị gia tăng cao nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy phát triển các ngành chế biến, chế tạo, một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn dựa trên nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; từng bước giảm tỉ trọng các ngành có năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu;

Tiếp thu, làm chủ, chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp, công nghệ để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.

Đổi mới và hoàn thiện quản lí nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tăng cường các công cụ và chính sách đột phá nhằm khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lí nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

 Ảnh minh họa.

Phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Tập trung hình thành nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ và năng lực phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa trong bối cảnh mới; Xây dựng hệ thống thông tin khoa học và công nghệ theo hướng chuyển đổi số.

Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tăng dần tỉ trọng nguồn cung công nghệ, thiết bị trong nước, đẩy mạnh các hoạt động trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, tiến tới đồng bộ hóa với thị trường hàng hóa, lao động và tài chính; Tập trung thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cùng với nâng cao năng lực hấp thụ và đổi mới công nghệ, năng lực quản trị doanh nghiệp, trình độ và kĩ năng nguồn nhân lực, triển khai chuyển đổi số, đổi mới quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ;

Gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ, chú trọng phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp cùng với việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng kịp thời tiêu chuẩn cơ sở đối với các công nghệ, sản phẩm mới, sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực đáp ứng yêu cầu của thị trường; bảo đảm phát triển tài sản trí tuệ và tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa là công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.

Thứ hai, định hướng phát triển nghiên cứu khoa học: Tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển của địa phương, đồng thời nghiên cứu và dự báo các xu hướng phát triển trong giai đoạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghiên cứu xác định điều kiện, giải pháp, lộ trình đổi mới, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, tương tác giữa tự nhiên – con người – xã hội, quá trình biến đổi khí hậu làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Thứ ba, định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ: Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu để làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lí xã hội và đời sống; Nghiên cứu, phát triển nguồn thảo dược, các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định về an toàn thực phẩm; Tạo các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp điều kiện sinh thái, biến đổi khí hậu ở địa phương;

Nghiên cứu các chế phẩm sinh học phục vụ chế biến thực phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa; Tận thu, tái chế phụ phẩm, xử lí ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học; bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lí nguồn gen quý hiếm; bảo vệ đa dạng sinh học; Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới, tiên tiến phục vụ công nghiệp và xây dựng; các vật liệu tiên tiến phục vụ nông nghiệp; vật liệu phân hủy sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

Tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ chế tạo – tự động hóa tiên tiến, thông minh bao gồm công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị, dây chuyền; Ứng dụng, làm chủ công nghệ trong dự báo tác động của biến đổi khí hậu lên hệ thống tự nhiên và xã hội, công nghệ về giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ trong nhận dạng, dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai; Ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu; Ứng dụng các giải pháp bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và môi trường;

Đẩy mạnh ứng dụng, làm chủ công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ xử lí nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải, công nghệ tái chế chất thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện của địa phương. Phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường.

Thứ tư, định hướng hoạt động đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chăm sóc, theo dõi theo các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, chế biến; tập trung đầu tư vào những khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những dự án quy mô lớn, triển khai các mô hình canh tác tiên tiến hiệu quả; Tập trung ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, tuần hoàn, hiệu quả và bền vững; Hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp gắn với các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao góp phần tích cực vào gắn kết giữa phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Làm chủ công nghệ, đặc biệt là các công nghệ sản xuất và chế tạo thông minh, đổi mới mô hình quản lí, kinh doanh, đổi mới sản phẩm, từ đó vừa dẫn dắt làm nòng cốt vừa liên kết, tạo lập mạng lưới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy rộng rãi các hoạt động đổi mới dây chuyền, thiết bị, máy móc, công nghệ, triển khai các hoạt động đào tạo về năng lực quản trị, khai thác công nghệ, cùng với áp dụng các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo;

Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo gắn với các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung.

Triển khai ứng dụng rộng rãi các nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình kinh doanh mới trong hoạt động dịch vụ, kinh doanh, dịch vụ công; Hỗ trợ đào tạo quản lí, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp, hỗ trợ đào tạo vận hành và áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ dữ liệu để tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

An Hạ

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích