Hà Nam: Doanh nghiệp vợt khó, chống dịch gắn với việc bảo vệ môi trường
(TN&MT) – Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều doanh nghiệp vận tải, khai thác khoáng sản… tại tỉnh Hà Nam lâm vào cảnh lao đao, hàng sản xuất ra khó tiêu thụ, hoạt động cầm chừng. Để vượt qua được những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn mong muốn các ngành chức năng có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp để tháo gỡ khó khăn, cụ thể là được giãn thời gian nộp các khoản thuế, phí theo quy định.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Là địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Hà Nam luôn chủ động “đi trước một bước” đặt ra các phương án để nâng cao công tác phòng chống dịch. Tuy vậy, những khó khăn, vướng mắc trong thời kỳ đại dịch là không thể tránh khỏi. Nắm bắt được việc đó tỉnh Hà Nam đã đưa ra những quyết sách mang tính chiến lược để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam mong muốn được giãn thời gian nộp thuế, phí… trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Để đạt được điều đó, Hà Nam đã luôn lắng nghe, kịp thời nắm bắt những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, kịp thời phối hợp giữa các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết những vướng mắc.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều cần được hỗ trợ về việc giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ đưa các chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các doanh nghiệp.
Từ thực tế đó, tỉnh Hà Nam đã ngay lập tức họp bàn giữa các đơn vị, sở ngành chức năng để tìm hướng giải quyết. Theo kế hoạch, trong năm 2021, sẽ cơ bản đáp ứng những nhu cầu tại các doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp; Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát các thủ tục còn rườm rà, chồng chéo để báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa bổ sung, thay thế kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 6.770 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 141 nghìn lao động. |
Bên cạnh những chính sách mà chính quyền tỉnh Hà Nam đang cố gắng thực hiện, nhiều doanh nghiệp vận tải, khai thác khoáng sản… trên địa bàn tỉnh cũng mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu và sớm có cơ chế giãn thời gian nộp các loại thuế, phí… để doanh nghiệp ổn định sản xuất, chung tay cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Ông Lại Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Nam Kinh, một đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt khoảng 50% so với khi dịch chưa bùng phát. Từ thực tế đó dẫn đến việc mức lương của công nhân đến thời điểm hiện tại không được đảm bảo. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Công ty vẫn luôn duy trì sản xuất đảm bảo cho tất cả công nhân có việc làm, cố gắng để người lao động có thể làm đủ ngày công. Bên cạnh đó, Công ty vẫn luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, đóng đầy đủ các loại thuế, phí theo quy định như: Phí cấp quyền khai thác, phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên… ngoài ra Công ty còn phải lo các loại chi phí như: điện, nước, bảo hiểm xã hội…, nên gặp không ít khó khăn.
Trước những khó khăn đang vướng phải, ông Tuấn bày tỏ quan điểm mong muốn các ngành chức năng sớm có cơ chế, chính sách giãn thời gian nộp các loại thuế, phí… để doanh nghiệp ổn định sản xuất và đồng hành cùng cả nước chống dịch.
“Công ty tôi nói riêng và rất nhiều các Công ty khác tại đây trong lĩnh vực khai thác khoáng sản rất mong muốn các ngành chức năng sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh để duy trì sản xuất, cụ thể bằng việc giãn thời gian nộp các loại thuế, phí…; Chúng tôi không xin miễn thuế hay giảm thuế mà chỉ mong chia thời gian nộp thành nhiều đợt, ấn định các mốc thời gian cụ thể trong năm”, ông Tuấn bày tỏ.
Tại Công ty TNHH xây dựng DV và TM Xuân Thành, hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ và cầu cảng tại địa bàn huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để kinh doanh đạt kế hoạch đề ra và bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, doanh nghiệp luôn nỗ lực triển khai các giải pháp phù hợp để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng DV và TM Xuân Thành chia sẻ, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ và cầu cảng bốc xếp hàng hoá, địa bàn tiêu thụ chính tại các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Thời điểm hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn bởi lẽ tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp dẫn đến tình trạng nhiều công trình, dự án phải tạm dừng, nguồn hàng hoá xuất đi các tỉnh bị ngưng trệ dẫn đến việc tàu thuyền phải neo đậu, một số cầu cảng phải cho tạm dừng hoạt động.
“Với tình hình dịch bệnh thế này, ước tính 6 tháng đầu năm chúng tôi chỉ hoàn thành được khoảng 50% khối lượng công việc, một số cầu cảng phải cho tạm dừng hoạt động, số lượng công nhân cũng đang dần được cắt giảm. Trước tình hình này, chúng tôi mong muốn tỉnh quan tâm, hỗ trợ giãn thời gian nộp các loại thuế, phí… để trước hết ổn định sản xuất, sau là chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động”, ông Dân chia sẻ.
Chú trọng phòng chống dịch gắn với việc bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Nam Kinh, Công ty TNHH xây dựng DV và TM Xuân Thành cũng luôn xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho chính công nhân cũng như cả cộng đồng.
Đời sống của Công nhân, người lao động cũng bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh Covid-19. |
Vì vậy, Công ty luôn thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; Bố trí bộ phận thường trực thực hiện nhiệm vụ phòng, chống; tổ chức đo thân nhiệt tại cổng ra, vào; bố trí dung dịch để rửa tay sát khuẩn; công nhân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn trong quá trình làm việc; chia bữa ăn công nhân lệch giờ để tránh tiếp xúc gần…
Đi đôi với công tác phòng chống dịch, trong quá trình hoạt động, kinh doanh, sản xuất Công ty cũng luôn tuân thủ, chấp hành các quy định công tác bảo vệ môi trường. Tại các khu vực khai thác và khu vực vận tải hàng hoá, Công ty bố trí các vòi phun nước cỡ lớn, vòi phun sương để dập bụi; thiết kế hồ sự cố, rửa lốp xe khi ra khỏi Công ty, thường xuyên tưới rửa đường tạo độ ẩm.
Cùng với đó, thường xuyên báo cáo trong quá trình hoạt động, kinh doanh, chủ động phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện và phòng TN&MT trong công tác thanh tra, kiểm tra; không để xảy ra sự cố về môi trường.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 6.770 DN đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 141 nghìn lao động. Trước tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung nắm bắt khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, giải quyết kịp thời cho các doanh nghiệp; tạo các điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh…
Với mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương, tỉnh Hà Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp. Chỉ trong quý 1 năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 5.000 lao động (đạt 28,4% kế hoạch năm). Toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 17.500 lao động trong năm 2021.
|