Hà Nam công bố Đồ án quy hoạch huyện Thanh Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Xây dựng) – UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Quyết định số 2002/QĐ-UBND về việc công bố Đồ án quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. |
Theo Đồ án quy hoạch, toàn bộ ranh giới hành chính huyện Thanh Liêm sẽ có 16 đơn vị hành chính xã, thị trấn. Trong đó, phía Bắc giáp huyện Kim Bảng và thành phố Phủ Lý, phía Nam giáp huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, phía Đông giáp huyện Bình Lục, phía Tây giáp huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Diện tích khoảng trên 16.490ha và dân số hiện trạng 119.977 người, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 195.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 57%.
Hiện nay, huyện Thanh Liêm là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, vật liệu xây dựng, công nghiệp đa ngành của tỉnh và vùng Thủ đô. Bên cạnh đó, huyện còn là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao phía Nam của tỉnh. Ngoài ra, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển đồng bộ các lĩnh vực dịch vụ – đô thị định hướng đạt chuẩn đô thị loại IV trực thuộc tỉnh trước năm 2030.
Việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm sẽ phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và những đặc thù của huyện trong mối quan hệ vùng tỉnh, gắn phát triển kinh tế với phát triển hệ thống đô thị, từng bước hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời phát triển kinh tế phải kết hợp với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an ninh xã hội. Việc điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Thanh Liêm năm 2022 đều tăng so với quy hoạch cũ đã phê duyệt, tỷ lệ đô thị hóa cũng cao hơn so với quy hoạch cũ, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển của huyện Thanh Liêm nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.
Trong tương lai, sẽ phấn đấu xây dựng huyện Thanh Liêm trở thành cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh; là trung tâm phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ và nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, động lực phát triển phía Nam của tỉnh Hà Nam.
Nguồn: Báo xây dựng