Hà Nam: Chủ động phòng, chống bệnh Sởi/Rubella

Hà Nam: Chủ động phòng, chống bệnh Sởi/Rubella

Tại tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 07 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, trong đó qua xét nghiệm xác định 01 trường hợp dương tính với bệnh Sởi và 01 trường hợp dương tính với bệnh Rubella.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thông báo của Cục Y tế dự phòng, đến tuần 11/2024 khu vực miền Bắc ghi nhận tổng cộng 27 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, cao hơn 59% so với cùng kì năm 2023 (17 trường hợp). Tại tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 07 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi/rubella, trong đó qua xét nghiệm xác định 01 trường hợp dương tính với bệnh Sởi (trú tại Thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm) và 01 trường hợp dương tính với bệnh Rubella (trú tại phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Sởi/Rubella trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu các đơn vị y tế theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế về công tác phòng, chống bệnh Sởi/Rubella tại đơn vị, địa phương. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Sởi/Rubella trên địa bàn, thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế dự phòng để phối hợp tiến hành điều tra ca bệnh, yếu tố dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh theo quy định.

Các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Tăng cường rèn luyện thể dục; có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể; chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi/rubella cho bản thân và người thân theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Yêu cầu cán bộ, nhân viên, người lao động và nhân dân khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe (sốt, ho, phát ban, viêm long đường hô hấp,…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không nên tự ý điều trị tại nhà.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca nghi mắc/mắc bệnh Sởi/Rubella trong cộng đồng, trường học, doanh nghiệp và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan thành dịch, hạn chế các trường hợp chuyển nặng và tử vong.

Đặc biệt chú ý các trường hợp sốt, phát ban, có hội chứng viêm long đường hô hấp…và kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phối hợp lấy mẫu làm xét nghiệm hoặc gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý theo quy định không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Các đơn vị cũng tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị theo quy định. Cùng đó phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh Sởi/Rubella và các biện pháp phòng chống, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm các vắc xin phòng bệnh.

Các Trạm Y tế và các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh Sởi, bệnh rubella cho người dân đảm bảo an toàn, đúng quy định. Đồng thời rà soát, vận động người dân đặc biệt là trẻ dưới 36 tháng tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi và bệnh rubella cần được tiêm chủng sớm, đúng lịch và đầy đủ.

Các đơn vị y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích