Hạ Ly – Người đàn bà bầu bạn với chính mình
(Xây dựng) – Hạ Ly rất đàn bà, chị có đôi mắt mênh mông đầy xúc cảm, nó chứa đựng những bão giông, những cung bậc thăng trầm của tâm hồn mà chị đã trải qua. Văn chương là một môn nghệ thuật sáng tạo và cần nhiều cảm xúc, chị viết văn mà như thủ thỉ, như kể chuyện cho tôi, cho bạn…
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhân dịp chị xuất bản tập truyện ngắn và tản văn “Tóc chị mùi phù sa” là cuốn sách thứ 2 sau cuốn “Ký ức màu tro” .
Tập truyện ngắn và tản văn “ Tóc chị mùi phù sa” của Hạ Ly vừa xuất bản. |
Tôi cứ loay hoay giữa viết và kiếm tiền
PV: Sao chị lại đến với văn chương?
Hạ Ly: Hồi còn là sinh viên đại học sư phạm tôi đã viết rất nhiều, tôi làm thơ và viết những truyện ngắn về tình yêu về quê hương xóm ngõ, thi thoảng tôi gửi cộng tác báo và được đăng. Tôi vui lắm và nghĩ sau này mình sẽ làm nhà văn. Nhưng rồi tôi lấy chồng, cuộc đời bắt đầu là những bão giông liên tiếp, những lo toan khiến tôi không còn dám thực hiện ước mơ của mình. Nhưng đam mê văn chương thì đã ngấm vào máu thịt nên tôi thường viết lúc rảnh rỗi và đăng lên trang mạng xã hội và được bạn đọc đón nhận, cổ vũ.
Tôi biết đủ nên tôi vui. |
Rồi duyên nợ cho tôi vào nghề báo, tôi lại mất thời gian khá dài để làm quen với nghề. Ngoài làm nghề chính thức ở Báo Xây dựng, tôi dùng văn chương để kiếm tiền, tôi làm cộng tác viên với các báo về truyện ngắn, tản văn, thơ. Nhưng thách thức lớn nhất của người viết không tên tuổi chính là kiếm tiền và sáng tạo nghệ thuật. Tôi cứ mải kiếm tiền rồi để tuột đi giấc mơ của mình cho đến tận hôm nay.
PV: Bây giờ chị đã khá giả để dấn thân vào văn chương?
Hạ Ly: Tôi có mức sống bình thường như bao công chức Nhà nước khác, nhưng tôi biết đủ nên tôi có sự bình an, nghề viết cần có sự an yên và trong trẻo trong tâm hồn mới tập trung viết được.
Tôi viết văn là để trải lòng
PV: Trong thơ văn của chị thường có sự đa đoan trong câu chữ, có phải đàn bà đẹp thường đa đoan?
Hạ Ly: Đàn bà thường viết văn bằng cảm xúc hơn là bằng trí thông minh, phần nhiều là để trải lòng. Tôi đa đoan trong văn chương nhưng trong cuộc sống thực tôi lại chọn niềm vui.
Người ta vẫn nói trong tình yêu muốn biết anh ta có yêu mình thật lòng không thì hãy xem anh ta trao mình thứ anh ta có: Tiền của kẻ nghèo, thời gian của kẻ giàu, dũng khí của kẻ thư sinh và sự duy nhất của kẻ đào hoa.
Tôi chỉ muốn được trao tự do, trao niềm vui, tôi được tự do trong suy nghĩ, tự do với con chữ, tự do với sự lãng mạn… vậy là tôi vui. Người ta vui với xúng xính váy áo, túi hàng hiệu, vui với kim cương bạc vàng, còn tôi vui với con chữ.
Với tôi, những day dứt không làm thăng hoa trong tình yêu mà chỉ khiến người ta mệt mỏi.
PV: Và đó là lý do cuốn “Tóc chị mùi phù sa” của chị từ truyện ngắn cho đến tản văn đều mang hơi hướng nhẹ nhàng và kết thúc có hậu?
Hạ Ly: Ngôn ngữ kể chuyện cũng là 1 cách kiến tạo văn hóa và xã hội. Trong xã hội kim tiền như hiện tại, kéo người ta đi với sầm sập những bon chen, chao chát, giá trị đạo đức và giá trị cảm xúc không còn được coi trọng. Tôi chỉ muốn dùng những lời văn thủ thỉ, nhẹ nhàng tựa như những giọt nước chảy róc rách, róc rách vào tâm hồn người đọc, để họ tận hưởng một chút thư thái, một chút bình lặng. Những kết thúc có hậu, cũng là khát vọng sống của mỗi người, bởi suy cho cùng, bình lặng hay giông bão cũng đều do cách nhìn nhận sự việc, thái độ sống mà ra.
PV: Nghề báo, nhất là lại báo về ngành Xây dựng liệu có làm hạn chế cảm xúc hay giúp cho cảm xúc của chị thăng hoa hơn không?
Hạ Ly: Nghề làm báo giúp cho tôi được đi nhiều, được trải nghiệm các miền đất nước, được tiếp xúc với nhiều cuộc đời, với những con người đặc biệt có, giàu sang có, nghèo khó có và cả những bộ óc thông minh xuất chúng… tôi quan sát họ, tôi học hỏi và góp nhặt những kiến thức từ họ. Chính nhờ sự chịu khó quan sát ấy mà dù tôi chưa thực sự giỏi nghề nhưng tôi lại biết cách nói chuyện và thu hút để người ta nghe mình nói.
Tôi có thể ngồi đàm đạo với một bậc thầy kiến trúc về đô thị, cây xanh và thậm chí cả về văn chương cả một buổi chiều không thấy chán. Tôi cũng có thể ngồi nói chuyện với một CEO về cách phát triển quy hoạch dự án sao cho giữ được cây xanh và thiên nhiên không bị phá hủy, tôi cũng có thể làm bạn với các nhà lãnh đạo đứng đầu những thành phố lớn nơi tôi đến làm việc, hoặc tôi có thể phỏng vấn và nghe tỷ phủ ngành Xây dựng người Trung Quốc Nghiêm Giới Hòa đọc một bài thơ tặng tôi khi ông biết tôi là người yêu văn chương tại một Hội nghị thượng đỉnh quốc tế, hay tôi cũng có thể nói chuyện tâm tình với những người lao động trên công trường dự án Cảng sân bay quốc tế Long Thành trong những ngày cận Tết… Được như vậy có lẽ cũng là do kỹ năng văn chương. Khi bạn giỏi văn, bạn sẽ biết cách nói chuyện, đồng cảm cùng người khác.
Tôi được học hỏi từ họ rất nhiều, đó là những trải nghiệm đáng quý của người làm nghề báo ngành Xây dựng. Cũng như tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi được Tổng Biên tập và các lãnh đạo Báo Xây dựng luôn cảm thông cho tâm hồn nghệ sỹ của mình.
Bên cạnh việc làm nghề thì cảm xúc văn chương cũng cho tôi sự thấu đáo trong nhìn nhận một sự việc hay con người, giúp tôi gần gũi hơn với người tôi cần tiếp xúc, giúp cho tôi biết cảm thông hơn trong những câu chuyện với họ ngoài nghề.
PV: Sau cuốn sách thứ hai “Tóc chị mùi phù sa” này, chị có định tiếp tục theo đuổi con đường văn chương không?
Hạ Ly: Văn chương đối với tôi rất quan trọng, nó như một người bạn tâm giao, tôi thủ thỉ, tôi bầu bạn với chính mình trên từng trang viết. Tôi coi văn chương như một đam mê và niềm vui của cuộc đời mình. Tôi rất thích câu mà William Faulkner – một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nước Mỹ đã viết: “Hãy cứ là kẻ nghiệp dư thôi. Đừng bao giờ viết vì tiền mà chỉ nên viết vì đam mê và niềm vui. Viết dĩ nhiên sẽ mang đến niềm vui và cũng cần được khích lệ. Có thể không phải ở quá trình, nhưng khi sản phẩm đã hoàn thành, bạn sẽ bùng lên nhiệt huyết, cùng một cơn khát được sáng tạo thêm nữa. Không nhất thiết phải cảm thấy tự hào, nhưng không có nghĩa là bạn phải lặng lẽ một mình, phải giữ bí mật rằng bạn đã tạo ra một tác phẩm như thế. Bạn cần phải biết rằng mình đã làm tất cả những gì có thể. Còn lần sau, hãy làm nó tốt hơn nữa”.
Và nhất định, cuốn sách sau tôi sẽ viết tốt hơn cuốn sách trước.
PV: Cảm ơn chị về buổi trò chuyện, chúc chị ngày càng có nhiều những tác phẩm hay.
Nguồn: Báo xây dựng