Hạ Long (Quảng Ninh): Có nên cưỡng chế lớp vữa bê tông trên nền đất Khu xử lý nước thải dừng xây dựng?
(Xây dựng) – Ngày 10/10, UBND phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đôn đốc Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh cưỡng chế tháo dỡ lớp vữa bê tông mỏng làm điểm tiếp nhận dăm gỗ tạm, trên nền đất Khu xử lý nước thải dừng xây dựng chờ quy hoạch mới, khiến dư luận băn khoăn: Nên hay chưa nên cưỡng chế lớp vữa bê tông mỏng trên nền đất này?.
Cưỡng chế lớp vữa bê tông mỏng trên nền đất đang làm điểm tập kết tạm dăm gỗ xuất khẩu, đất có nguồn gốc để xây dựng Khu xử lý nước thải nay dừng đầu tư vì thay đổi quy hoạch. Sẽ vô tình xóa một cơ sở sản xuất và biến đất “vàng” thành đất hoang trong khu công nghiệp. |
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã thực tế hiện trường, lật lại nguồn gốc sử dụng đất tại đây. Ngày 19/10/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định số 3142/QĐ-UBND, cho Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh thuê 36.635,33m2 đất tại lo đất số 10, khu Quy hoạch mở rộng khu Công nghiệp Cái Lân; thuộc Khu 10a phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Mục đích sử dụng đầu tư dự án Khu xử lý nước thải công nghiệp Khu công nghiệp Cái Lân, công suất giai đoạn I là 5.000-6.000m3/ngày/đêm; thời hạn thuê đất 32 năm.
Theo Báo cáo số 04, ngày 8/6/2018 Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh gửi Đoàn Thanh tra Nhà nước tỉnh Quảng Ninh theo Quyết định số 148/QĐ-TTr ngày 7/6/2018 của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, về việc thanh tra toàn diện dự án Xây dựng Khu xử lý nước thải công nghiệp của Khu công nghiệp Cái Lân. Đến thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thành hạng mục san gạt mặt bằng và nhà thường trực bảo vệ, thi công tường rào (60% khối lượng), xây dựng bể tiếp nhận và bể xử lý XL1 (10% khối lượng).
Dự án Khu xử lý nước thải công nghiệp của Khu công nghiệp Cái Lân, công suất 5.000-6.000m/ngày/đêm, diện tích sử dụng đất 36.635,33m2; do Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh làm chủ đầu tư dừng xây dựng vì điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất. |
Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 150 tỷ đồng bao gồm: Thiết bị công nghệ 47,36 tỷ, thiết bị điện 28,42 tỷ, xây lắp 56,84 tỷ; chi phí khác còn lại 17,38 tỷ. Chia theo nguồn vốn, vốn tự có 45 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi 105 tỷ đồng. Vốn đầu tư Modul 1 là 60 tỷ đồng; trong đó vốn tự có là 18 tỷ đồng, vốn huy động là 42 tỷ đồng. Vốn tự có thực tế đã đầu tư vào dự án là 15,62 tỷ đồng.
Theo Kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng Quảng Ninh số 3888/KL-SXD ngày 31/10/2017 mà Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh báo cáo Thanh tra tỉnh: “ Trong quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều vướng mắc kéo dài thời gian thực hiện (vướng mắc về sự phù hợp với quy hoạch chung Khu công nghiệp (44 tháng); hoàn thiện thủ tục ĐTM (10 tháng); tranh chấp đất đai, khiếu kiện (24 tháng); điều chỉnh quy hoạch (9 tháng)…Trong đó vướng mắc lớn nhất là tranh chấp đất đai, khiếu kiện của hộ dân bị thu hồi đất trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc đấu nối nguồn nước thải đầu vào do hạ tầng nước thải tại Khu công nghiệp, do Ban quản lý Khu công nghiệp đảm nhiệm chưa được đầu tư. Và trình tự thủ tục về xây dựng cơ chế pháp lý, xây dựng đơn giá thu phí xử lý nước thải đối với các dự án thứ cấp trong Khu công nghiệp chưa có chính sách để thực hiện”.
Khi huyện Hoành Bồ hợp nhất với thành phố Hạ Long (trước tháng 12/2019), thành phố Hạ Long quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 07/6/2019, thì nhiệm vụ Quy hoạch sử dụng đất Khu công nghiệp Cái Lân, vùng vịnh Cửa Lục có thay đổi, chờ quy hoạch phân khu mới.
Ngày 11/3/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023. Theo quy hoạch chung, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố, Khu xử lý nước thải công nghiệp Khu công nghiệp Cái Lân không còn phù hợp với quy hoạch mới.
Trong thời gian chờ đợi quy hoạch sử dụng đất vào mục đích khác, Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh không thể giải thể được, phải duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống người lao động và đóng góp nghĩa vụ với nhà nước; đã tận dụng mặt bằng sẵn có và đổ thêm lớp vữa bê tông mỏng vào khoảnh đất trống, trong diện tích đất quy hoạch mở rộng Khu xử lý nước thải công nghiệp giai đoạn II, để mở rộng sân tập kết dăm gỗ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước qua cảng Cái Lân.
Ngày 22/02/2024, UBND thành phố Hạ Long ra Quyết định số 120/QĐ-CCXP cưỡng chế tháo dỡ lớp vữa bê tông mỏng tạo mặt bằng nói trên, mà doanh nghiệp lát tạm để sử dụng tạm vào mục đích kinh doanh tạm, trong hoàn cảnh doanh nghiệp bị dừng đầu tư xây dựng Khu xử lý nước thải công nghiệp, vì quy hoạch chung của địa phương có thay đổi, đang chờ quy hoạch phân khu để chuyển sử dụng đất vào mục đích khác.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đối chiếu các quy định về quản lý trật tự xây dựng đô thị, thì Quyết định số 120/QĐ-CCXP của UBND thành phố Hạ Long cưỡng chế tháo dỡ lớp vữa bê tông đất nền khi Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh, không lập Dự án đầu tư xây dựng là đúng. Song thực mục tế hiện trường lớp vữa bê tông mỏng lát tạm, nhiều chỗ đã bong tróc; trên nền đất không có công trình xây dựng kiên cố tác động đến quy hoạch, kiến trúc đô thị, thì nảy ra vấn đề xử lý công trình tạm trên đất trống đô thị.
Nhiều lô đất “vàng” ở Bãi Cháy bỏ hoang trở thành bãi rác phế liệu xây dựng, vừa lãng phí tài nguyên đất vừa mất cảnh quan môi trường đô thị. |
Phường Bãi Cháy trung tâm Khu du lịch quốc tế Bãi Cháy (Hạ Long) còn nhiều khu đất trống, trong quy hoạch đất dịch vụ kinh doanh tầm nhìn đến năm 2040 dành cho kiến trúc khách sạn cao tầng, hiện đầu tư xây dựng ngay chưa có hiệu quả nên nhà đầu tư bỏ hoang. Những thửa đất “vàng” trong đô thị chưa xây dựng đến, cây dại mọc thành rừng, chuột bọ về làm tổ; đêm hôm xe tải đến vụng trộm đổ phế liệu xây dựng, đã trở thành bãi chứa rác thải mất cảnh quan môi trường đô thị. Đây không phải là vấn đề riêng ở phường Bãi Cháy, mà là vấn nạn chung của các đô thị trong cả nước.
Nên chăng, các địa phương có cơ chế cho sử dụng các lô đất trống trong đô thị mà nhà đầu tư chưa xây dựng được công trình đạt mức như quy hoạch thiết kế; những lô đất quy hoạch cho giai đoạn II của các dự án, như Khu xử lý nước thải công nghiệp trong Khu công nghiệp Cái Lân, lại chờ thay đổi quy hoạch sử dụng đất vào mục đích khác có thể đưa vào sử dụng tạm. Có như vậy sẽ xóa được tình trạng đất trống trong đô thị, tận dụng được tài nguyên đất đai, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, lại tận thu được ngân sách cho Nhà nước.
Đây là lô đất quy hoạch tòa khách sạn 32 tầng ở ngay ngã 3 đường Hậu Cần, phường Bãi Cháy; nhà đầu tư chưa thể xây dựng công trình như quy hoạch kiến trúc được, còn phụ thuộc vào nhu cầu khách du lịch; đất để hoang cây dại mọc chuột bọ làm tổ. |
Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh vừa bị thiệt hại nặng nề trong trận bão số 3, nguy cơ người lao động không có việc làm, thành phố Hạ Long nên tạm hoãn việc cưỡng chế tháo dỡ lớp vữa bê tông đất nền làm điểm tập kết dăm gỗ tạm trên thổ đất chờ thay đổi quy hoạch sử dụng đất vào mục đích khác. Khi có quy hoạch mới, phải sử dụng đất đúng mục đích thì sẽ thấu tình đạt lý.
Nguồn: Báo xây dựng