Hà Lan: Phát minh ra loại xe điện hút carbon

Hà Lan: Phát minh ra loại xe điện hút carbon

MTĐT –  Thứ hai, 07/11/2022 17:37 (GMT+7)

Xe điện ZEM với thân in 3D từ nhựa tái chế và nóc trang bị pin mặt trời có thể hút khoảng 2 kg carbon cứ mỗi 32.000 km

Theo Cnet đưa tin, nhóm 35 sinh viên tại Đại học Công nghệ Eindhoven, Hà Lan chế tạo nguyên mẫu xe điện “phát thải âm” mang tên ZEM. Nhờ một cặp thiết bị thu giữ carbon lắp đặt phía trước xe, ZEM hấp thụ CO2 trong lúc chạy. Nhóm sinh viên cho biết, chiếc xe có thể thu giữ khoảng 2 kg cứ mỗi 32.000 km. Trong khi đó, một cây trưởng thành hấp thụ trung bình khoảng 22 kg carbon mỗi năm. Khi đầy, các bộ lọc có thể được đem đi làm sạch và lượng carbon thu giữ có khả năng tái sử dụng làm nhiên liệu, thậm chí nấu bia.

Dù xe điện không thải CO2 trên đường, quá trình sản xuất pin lithium của chúng có thể tạo ra lượng lớn carbon. Carbon cũng thường xuyên được thải ra trong quá trình sản xuất lượng điện dùng để nạp cho pin xe điện. Nhóm sinh viên cho biết, các bộ lọc carbon của ZEM có thể đền bù cho lượng khí thải carbon này.

tm-img-alt
Xe điện ZEM trong chuyến tham quan San Francisco (Nguồn: Cnet)

Lars Holster, sinh viên Đại học Công nghệ Eindhoven, cho biết: “Khi các bộ lọc được chế tạo theo dạng module, chúng có thể dùng cho mọi loại phương tiện, mọi loại vận tải.

Các tấm pin mặt trời trên nóc và mui xe cung cấp khoảng 15% năng lượng cho 8 pin lithium của ZEM. Chiếc xe trang bị cổng sạc phía sau, gần biển số. Nhóm chế tạo áp dụng công nghệ sạc hai chiều, nên ZEM có thể đóng vai trò như một máy phát điện, cung cấp năng lượng cho các thiết bị gia dụng.

ZEM mang tính bền vững với phần thân được in 3D từ nhựa tái chế, có thể cắt nhỏ và tái sử dụng vào cuối vòng đời của xe. Nội thất xe làm từ dứa, trong khi một số thành phần khác làm từ dầu ăn tái chế.

Nhóm chế tạo không có kế hoạch bán ZEM nhưng hy vọng sẽ được cấp bằng sáng chế cho công nghệ thu giữ carbon. Họ hy vọng nguyên mẫu xe sẽ truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất ôtô và các công ty khác phát triển ý tưởng này.

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích