Hà Giang: Đẩy mạnh đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp
Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn.
Theo đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, kinh doanh điện, nước; xăng dầu, khoáng sản; chế biến nông, lâm sản…; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp;
Áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.
Tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc của các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp về đo lường; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Huy động nguồn lực xã hội và cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường tiềm lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Tỉnh Hà Giang phấn đấu từ nay đến năm 2025, đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường của Tỉnh đủ điều kiện để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đạt trên 75% nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn; Tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 350 lượt người tham gia hoạt động đo lường; Trang bị 10 điểm cân đối chứng, 11 bộ chuẩn đối chứng (chuẩn khối lượng) cho cấp xã, phường, thị trấn.
Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 50 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 02 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn Tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Mục tiêu từ năm 2026 đến 2030, đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường của Tỉnh đủ điều kiện để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đạt trên 85% nhu cầu của các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 300 lượt người tham gia hoạt động đo lường.
Triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và hoạt động xây dựng phương pháp đo cho ít nhất 40 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
Triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 01 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn Tỉnh cho các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Hà My