Hà Đông (Hà Nội): Những tồn tại chưa được xử lý dứt điểm bên trong khu đất Công viên thể thao, cây xanh
(Xây dựng) – Sau phản ánh của Báo điện tử Xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã thừa nhận, việc kinh doanh sân bóng, sân golf bên trong khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh là bất hợp pháp và khẳng định sẽ xử lý dứt điểm. Tuy nhiên đến nay, một số hoạt động kinh doanh nêu trên vẫn còn đang tiếp diễn, cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của lực lượng chức năng.
Khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông đã được quây tôn xung quanh để chống lấn chiếm và dừng mọi hoạt động kinh doanh, nhưng một số đơn vị vẫn kinh doanh bên trong (ảnh chụp ngày 11/4/2023). |
Các hoạt động kinh doanh là bất hợp pháp
Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng đã có bài phản ánh “Hà Đông (Hà Nội): Sân bóng, sân golf ngang nhiên hoạt động trong đất công viên thể thao, cây xanh”. Trong đó đề cập về tình trạng các sân bóng cỏ nhân tạo và sân golf ngang nhiên hoạt động trong khu vực dự án Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông, dù khu vực này đã được quây tôn để chống lấn chiếm và dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh từ cuối năm 2022. Bên cạnh đó, người dân vẫn thoải mái ra vào khu đất, khi ngay tại cổng vào có chốt bảo vệ và biển báo “Không phận sự miễn vào”.
Để rộng đường dư luận và có được những thông tin khách quan về tình trạng trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông – Đơn vị được giao trách nhiệm quản lý khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông.
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cũng thừa nhận: Các hoạt động kinh doanh trong khu vực dự án Công viên thể thao, cây xanh như Báo điện tử Xây dựng đã nêu là không hợp pháp. Sau khi nhận được những phản ánh của báo chí, UBND quận Hà Đông đã ban hành văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC đối với khu đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạc xây dựng Công viên thể thao, cây xanh.
Lý giải về tình trạng các đơn vị ngang nhiên hoạt động kinh doanh bên trong khu đất Công viên kể trên, bà Phạm Thị Phương Thảo cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị bên trong khu đất công viên chấm dứt hoạt động và yêu cầu Công ty Điện lực Hà Đông ngừng cung cấp điện. Tuy nhiên, các sân bóng và sân golf này vẫn lén lút hoạt động. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì các đơn vị này đã sơ tán hết, người ta (quản lý các sân bóng, sân golf – PV) cũng chỉ bảo là đăng ký vào mấy người để di chuyển tài sản. Đối với tình trạng hiện nay các đơn vị này vẫn tiếp tục hoạt động thì chúng tôi sẽ yêu cầu chấn chỉnh và kiểm tra rõ trách nhiệm đến đâu và trách nhiệm của ai, tại sao quá trình quản lý như thế mà vẫn để sân bóng và sân golf tiếp tục hoạt động”.
Bà Thảo cũng giải thích thêm: “Vì diện tích khu vực công viên thể thao, cây xanh rộng, có rất nhiều nhà xưởng hiện nay chưa chịu di dời. Bên cạnh đó, trong tất cả các sân bóng, không phải sân bóng nào cũng nằm ngoài mặt đường. Nên trong quá trình đi kiểm tra, do lực lượng mỏng nên không thể phát hiện những trường hợp vi phạm”.
Các sân bóng, sân golf nằm cạnh đường đi bên trong khu đất công viên thể thao, cây xanh (ảnh chụp ngày 11/4/2023). |
Tuy nhiên, tại thời điểm phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi nhận tình trạng để phản ánh thì thực tế khác hoàn toàn với những gì vị Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông giải thích. Cụ thể, các sân bóng, sân golf nằm ngay cạnh một con đường lớn của dự án Công viên. Đồng thời, các hoạt động kinh doanh này diễn ra rất nhộn nhịp bởi sự đông đảo người thuê dịch vụ để vui chơi thể thao và những tiếng ồn ào từ những trận bóng, những điều này đều rất dễ thu hút sự chú ý. Bên cạnh đó, công tác quản lý khu đất Công viên thể thao, cây xanh này còn có sự phối hợp của chính quyền phường Hà Cầu và Kiến Hưng, thì việc viện dẫn lý do diện tích công viên rộng, lực lượng chức năng mỏng dẫn tới các hoạt động này diễn ra lén lút liệu có đủ sức thuyết phục? Hay là do sự quản lý lỏng lẻo của các cá nhân, tổ chức có liên quan?
Quay trở lại với tình trạng người dân vẫn thoải mái ra vào khu đất dự án công viên, dù cho ngay lối vào đã có chốt bảo vệ và nhiều biển báo với nội dung “Không phận sự miễn vào”. Bà Phạm Thị Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho biết: Trung tâm đã thuê một đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp để trông coi, kiểm soát cổng ra vào khu đất. Bởi vì các doanh nghiệp bên trong chưa chịu di dời tài sản để bàn giao lại mặt bằng nên buộc phải đăng ký danh sách số lượng người ra vào phục vụ cho việc di chuyển tài sản. Trung tâm đã có biên bản, danh sách niêm yết gửi cho công ty bảo vệ và công ty bảo vệ có trách nhiệm kiểm soát. Qua phản ánh của báo chí, Trung tâm đã yêu cầu công ty bảo vệ phải nghiêm túc chấp hành, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Các cán bộ của Trung tâm thực hiện nhiệm vụ tại công viên phải phối hợp với các đơn vị có liên quan để rà soát. Nếu vẫn để tình trạng người dân ra vào thoải mái như vậy thì Trung tâm sẽ thay thế công ty bảo vệ khác.
“Đánh trống bỏ dùi” trong việc xử lý sai phạm
Các “golf thủ” vẫn thi đấu bên trong Sân tập golf Hà Đông (ảnh chụp ngày 26/4/2023). |
Trong quá trình làm việc với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Phạm Thị Phương Thảo đã nhiều lần khẳng định, sẽ xử lý dứt điểm những tồn tại đang diễn ra và đề cập đến khá nhiều văn bản chỉ đạo của UBND quận Hà Đông và Trung tâm Phát triển quỹ đất về việc xử lý những tồn tại đang diễn ra bên trong khu đất Công viên, nhưng khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các văn bản nêu trên, thì bà Thảo chỉ cung cấp mỗi Văn bản số 834 của UBND quận ngày 14/4/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, PCCC đối với khu đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quy hoạc xây dựng Công viên thể thao, cây xanh; còn những văn bản khác thì không được cung cấp.
Để tìm hiểu rõ về công tác xử lý những hoạt động kinh doanh và tình trạng ra vào tự do tại khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh quận Hà Đông. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng vào ngày 26/4 (tức là sau 5 ngày kể từ thời điểm phóng viên làm việc với lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông), bên trong khu đất dự án Công viên, các hoạt động kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo đã không còn diễn ra; các vị trí hàng rào tôn bị xé để làm lối đi trước đó đã được bịt kín và số lượng phương tiện ra vào khu đất đã thưa thớt hơn.
Tuy nhiên, tại khu vực cụm sân golf mang tên “Sân tập golf Hà Đông” thì hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, bên trong sân có khá nhiều người đang tập luyện và thi đấu. Điều khó hiểu, khi làm việc với phóng viên, Phạm Thị Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã khẳng định việc ra vào khu đất dự án Công viên chỉ dành cho những cá nhân có nhiệm vụ di dời tài sản bên trong để trả lại mặt bằng và phải đăng ký để có danh sách niêm yết tại chốt bảo vệ. Vậy, những “golf thủ” làm cách nào để đi qua được chốt bảo vệ để vào bên trong sân golf?
Không những thế, tại một phần khu đất bên trong dự án Công viên đang xuất hiện nhiều phương tiện là ôtô khách, ôtô 4 đến 7 chỗ và nhiều xe máy đang đậu đỗ. Vậy những phương tiện này là của ai, khi số lượng người ra vào khu vực này bị hạn chế?
Một nhân viên tại sân golf cho biết: Hiện tại sân golf thuê một bãi xe ở ngoài, khi khách hàng tới thì để xe ở đấy, rồi nhân viên sân golf sẽ ra đón vào (ảnh chụp ngày 26/4/2023).
Một phần trong khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh cũng xuất hiện nhiều phương tiện ôtô, xe máy đậu đỗ (ảnh chụp ngày 26/4/2023).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, cuối năm 2022, tại khu vực dự án Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng khiến một người tử vong. Do đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã đơn phương chấm dứt Hợp đồng thuê mặt bằng đối với 12 doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức thi công hàng rào tôn xung quanh khu đất dự án, cắt điện toàn bộ khu vực với mục đích chống lấn chiếm và dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp đồng ý trả lại mặt bằng cho dự án, còn 11 doanh nghiệp tới nay vẫn chưa phối hợp thực hiện. Trong đó, Công ty Golf Hà Đông (là đơn vị mà Báo điện tử Xây dựng phản ánh ngang nhiên hoạt động bên trong khu đất) hiện nay đang khởi kiện Trung tâm Phát triển quỹ đất tại Tòa án nhân dân quận Hà Đông, liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và Tòa án nhân dân quận đang thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định.
Từ năm 2021, đối với khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh này, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Hà Đông dừng ngay việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng đất và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tiếp tục cho thuê sai mục đích, sai thẩm quyền. Tuy nhiên, trước những thực trạng đang diễn ra tại khu đất dự án Công viên, cho thấy UBND quận Hà Đông, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận và các đơn vị có liên quan đang làm trái với chỉ đạo của chính quyền Thành phố Hà Nội; lực lượng chức năng không những thiếu quyết liệt trong công tác xử lý những tồn tại, mà còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho những sai phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, đôn đốc UBND quận Hà Đông chấn chỉnh các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc công tác quản lý và xử lý những tồn tại bên trong khu đất dự án Công viên thể thao, cây xanh.
Nguồn: Báo xây dựng