Góp ý về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi quá cảnh hàng hoá

VCCI cho biết, Điều 2 Dự thảo đã bỏ cụm từ “kể cả quá cảnh” tại một số điều Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, quy định này để bỏ nội dung liên quan đến hành vi quá cảnh do Luật Sở hữu trí tuệ không quy định biện pháp xử lý hành chính với hành vi này. VCCI đồng tình với quy định mới tại Dự thảo vì các lý do sau đây:

Các cam kết quốc tế không yêu cầu Việt Nam phải kiểm tra, xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với hoạt động quá cảnh: Chú thích 13 tại Điều 51 Hiệp định TRIPS quy định rằng các nước thành viên không có nghĩa vụ phải áp dụng thủ tục đình chỉ thông quan tại cơ quan hải quan với hàng hoá quá cảnh.

Điều 18.76.(5).(c) Hiệp định CPTPP, dù có quy định cơ quan có thẩm quyền có thể mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới với hàng hoá quá cảnh, cũng không bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ này, mà cho phép cơ quan hải quan nước thành viên CPTPP chỉ cần xây dựng cơ chế hợp tác cung cấp thông tin về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng sao chép lậu để hỗ trợ lẫn nhau nhận diện hàng hoá bị nghi ngờ (theo chú thích 123); Quy định như Dự thảo là phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ: Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, trong đó không có hành vi quá cảnh hàng hoá;

Việc xử phạt hành vi quá cảnh với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải loại hình này là không hợp lý vì doanh nghiệp quá cảnh không thể biết và xác định được hàng hoá mình đang vận chuyển có vi phạm sở hữu trí tuệ hay không. Doanh nghiệp quá cảnh chỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu này sang cửa khẩu khác, không được phép tác động vào hàng hoá (kể cả lúc nhận hàng và lúc trả hàng) vì phải đảm bảo niêm phong hải quan (Điều 1.19 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 43 Nghị định 08/2015/NĐ-CP).

Ngoài ra, Dự thảo vẫn giữ nguyên một số quy định về biện pháp khắc phục hậu quả với hàng hoá quá cảnh như Điều 10.15.c, Điều 11.17.c Nghị định 99/2013/NĐ-CP. Quy định như vậy dường như chưa hợp lý. Một là, Dự thảo đã bỏ hành vi quá cảnh ra khỏi các hành vi bị xử phạt hành chính (để phù hợp với Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ), do đó áp dụng biện pháp khắc phục (hành chính) là chưa phù hợp.

Hai là, không cần thiết phải quy định biện pháp trục xuất hàng hoá vi phạm vì hàng hoá quá cảnh không tiêu thụ nội địa, chỉ ở trên lãnh thổ Việt Nam trong quá trình di chuyển và sẽ xuất sang nước thứ ba theo hợp đồng với chủ hàng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bãi bỏ các điều khoản liên quan đến hàng hoá quá cảnh, như Điều 10.15.c, Điều 11.17.c Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

 Ảnh minh hoạ

Hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam

Theo VCCI, Điều 1.1.b Dự thảo (bổ sung Điều 1a.5 Nghị định 99/2013/NĐ-CP) quy định hành vi trên internet được coi là xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam nếu nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm tiêu chí nào để xác định một hành vi có “nhằm” vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Việc này có thể dẫn đến việc áp dụng quy định một cách tuỳ tiện hoặc diễn giải theo cách hiểu quá rộng. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các tiêu chí xác định hành vi vi phạm internet trên lãnh thổ Việt Nam.

Hình thức văn bản uỷ quyền

Điều 23 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về hình thức hợp lệ của văn bản uỷ quyền. Theo phản ánh của doanh nghiệp, có tình trạng một số cơ quan thực thi không chấp nhận bản sao Giấy uỷ quyền được sao y tại cơ quan đăng ký (Cục Sở hữu trí tuệ) mà yêu cầu phải có giấy uỷ quyền gốc được hợp pháp hoá lãnh sự/ công chứng. Việc này làm phát sinh thủ tục, thời gian và chi phí cho chủ thể quyền; làm chậm cơ hội, kế hoạch yêu cầu ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Điều này được cho một phần là cách thiết kế quy định tại Điều 23, cụ thể:

Khoản 2 Điều 23 quy định văn bản uỷ quyền của tổ chức nước ngoài phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương hoặc lãnh sự quán, hoặc hình thức khác được coi là hợp pháp theo quy định của pháp luật tại nơi lập văn bản ủy quyền;

Khoản 3 và khoản 4 Điều 23 lại quy định văn bản uỷ quyền cũng hợp lệ nếu là (i) bản sao của bản gốc văn bản ủy quyền đã nộp trong hồ sơ trước đó cho cùng cơ quan xử lý vi phạm; (ii) văn bản ủy quyền có giá trị trong thủ tục xác lập quyền và có nội dung uỷ quyền về thủ tục thực thi, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Cách thiết kế quy định như vậy khiến cho một số cơ quan thực thi áp dụng máy móc rằng văn bản uỷ quyền phải đáp ứng quy định tại khoản 2 trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả đã được coi là hợp lệ theo khoản 3, 4. Do vậy, để tránh các vướng mắc trong thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 23.2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP theo hướng văn bản uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện trên hoặc được coi là hợp lệ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều này.

Giám định sở hữu công nghiệp trong thủ tục xử lý xâm phạm quyền

Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định kết luận giám định là nguồn thông tin tham khảo để cơ quan có thẩm quyền xem xét trước khi ra quyết định. Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế, trong hầu hết vụ việc yêu cầu xem xét kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền, chủ thể quyền phải thực hiện trước việc giám định mới được coi là có cơ sở để thụ lý, xem xét.

Sau đó, một số cơ quan thực thi lại yêu cầu phải giám định lại sau khi đã thực hiện thủ tục kiểm tra và tạm giữ hàng hoá, tang vật. Việc phải giám định lại chính đối tượng đã giám định (trùng hoàn toàn về chủ thể và mẫu vật) gây tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định theo hướng cơ quan thực thi không được yêu cầu người yêu cầu xử lý vi phạm cung cấp lại văn bản giám định nếu không có sự thay đổi về chủ thể và mẫu vật giám định.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích