Góp ý kiến xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về Mô hình thông tin công trình
Cụ thể, các dự thảo Tiêu chuẩn được tổ chức lấy ý kiến bao gồm: TCVN “Công trình xây dựng – Tổ chức thông tin trong công trình xây dựng. Phần 2: Khung phân loại”; TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 1: Khái niệm và nguyên tắc”; TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 2: Phân phối thông tin trong các giai đoạn của dự án”.
Được biết, hệ thống tiêu chuẩn về BIM gồm nhiều tiêu chuẩn. Yêu cầu đặt ra khi biên soạn cần đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lần này để lấy các ý kiến đóng góp của các các quan quản lý, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia trong quá trình hoàn thiện các dự thảo TCVN…
Đề cập đến các dự thảo tiêu chuẩn, đại diện Viện Kinh tế xây dựng cho biết: Dự thảo TCVN “Công trình xây dựng – Tổ chức thông tin trong công trình xây dựng” tương đương với ISO 12006-2:2015 và đề xuất danh sách các bảng phân loại cho các lớp đối tượng thông tin theo cách cụ thể như hình dáng hoặc chức năng, được bổ sung bởi các định nghĩa. Tiêu chuẩn này thể hiện cách các lớp đối tượng được phân loại trong mỗi bảng liên quan đến nhau, như một chuỗi các hệ thống hoặc hệ thống con, ví dụ một mô hình thông tin công trình.
Dự thảo tiêu chuẩn này không đưa ra một hệ thống phân loại đầy đủ có thể sử dụng ngay, cũng không đưa ra nội dung các bảng phân loại, mà chỉ đưa ra các ví dụ. Tiêu chuẩn phục vụ xây dựng và công bố các hệ thống và bảng phân loại chi tiết phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn này được áp dụng để xây dựng hệ thống các bảng phân loại, cần đảm bảo sự hài hòa giữa các hệ thống và bảng phân loại đó. Tiêu chuẩn này áp dụng trong toàn bộ vòng đời của các công trình xây dựng bao gồm từ bước xác định chủ trương đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành bảo trì, phá dỡ công trình và áp dụng cho tất cả các loại công trình.
Về dự thảo TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 1: Khái niệm và nguyên tắc”, đại diện VNCC cho biết, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ISO 19650-1:2018, đưa ra các khái niệm và nguyên tắc được khuyến nghị cho các quá trình kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng nhằm hỗ trợ việc quản lý và tạo lập thông tin trong vòng đời của tài sản xây dựng khi sử dụng BIM…
Dự thảo tiêu chuẩn này dành cho người tham gia cung cấp, thiết kế, xây dựng hoặc vận hành thử các tài sản được xây dựng, thực hiện các hoạt động quản lý tài sản, bao gồm cả vận hành và bảo trì. Tiêu chuẩn này áp dụng trong toàn bộ vòng đời của các công trình xây dựng bao gồm từ bước xác định chủ trương đầu tư, thiết kế, xây dựng, vận hành bảo trì và phá dỡ công trình. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại công trình.
Bên cạnh đó, dự thảo TCVN “Tổ chức và số hóa thông tin về nhà và công trình dân dụng, bao gồm BIM – Quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình – Phần 2: Phân phối thông tin trong các giai đoạn của dự án” được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo ISO 19650-2:2018.
Tiêu chuẩn này nằm trong chuỗi các dự thảo TCVN để hiện thực hóa lộ trình BIM, các tài liệu này hướng dẫn nghành Xây dựng phát triển một cách hiệu quả hơn bằng cách tiếp cận phương pháp quản lý thông tin để đưa ra được những quyết định sáng suốt dựa trên nhiều nguồn dữ liệu sẵn có. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu liên quan đến việc quản lý thông tin trong giai đoạn bàn giao tài sản/ dự án. Cần được bên giao việc và bên nhận việc xem xét và sửa đổi thường xuyên cho đến khi thiết lập được quy trình tốt nhất…
Dự thảo tiêu chuẩn này mô tả quy trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng sử dụng BIM và có thể áp dụng cho toàn bộ vòng đời của các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng. Bao gồm bước hoạch định chiến lược, phát triển dự án, giai đoạn ký kết hợp đồng (thỏa thuận), giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công… các nội dung liên quan về hoạt động xây dựng, thậm chí là giai đoạn kết thúc/ phá dỡ công trình. Các nội dung trong tiêu chuẩn này được hiểu và áp dụng một cách tương xứng, phù hợp với từng quy mô và mức độ phức tạp của dự án.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo chất lượng tối ưu cho các dự thảo, nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết thống nhất thuật ngữ trong dự thảo tiêu chuẩn với các thuật ngữ, khái niệm liên quan trong các văn bản pháp luật hiện hành; làm rõ hơn thuật ngữ “công trình” và một số thuật ngữ, định nghĩa trong các dự thảo tiêu chuẩn; các thuật ngữ nên xem xét, đảm bảo sự phù hợp trong môi trường hoạt động xây dựng ở Việt Nam.
BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình trong toàn bộ vòng đời của nó được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Bất kỳ sự thay đổi của thành phần nào trong mô hình cũng sẽ được tự động cập nhật cho toàn bộ hệ thống. Do đó, việc áp dụng BIM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia, tối ưu hóa việc thiết kế, thi công và quản lý công trình. |
Bảo Linh (t/h)