Góp ý hoàn thiện chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam

Góp ý hoàn thiện chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam

Sáng ngày 8/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý hoàn thiện chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam và giải pháp.

Hội thảo với chuyên đề “Quản lý chất lượng môi trường nước và đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông và hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý chuyên môn và các nhà khoa học chuyên ngành.

tm-img-alt
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, bà Phạm Thị Xuân – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Hội đã đề xuất Đề tài Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt với nội dung: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông (LVS) với sự tham gia của cộng đồng” nhằm góp phần thực hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Bắc Hưng Hải.

Hệ thống Bắc Hưng Hải – “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường

Chủ trì Hội thảo, TS. Nguyễn Linh Ngọc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi này đã trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp. Một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường…

tm-img-alt
TS. Nguyễn Linh Ngọc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Khảo sát của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho thấy, các nguồn xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải hiện nay gồm: Nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%, nước thải công nghiệp chiếm 24,60%, nước thải thủy sản chiếm 7,35%; nước thải chăn nuôi chiếm 5,53%; nước thải làng nghề, y tế, cơ sở SXKD chiếm 3,71 %.

Theo Bà Trần Thị Ngọc Linh – Phó Chi Cục trưởng, Chi cục kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Hiện trạng nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải từ năm 2017 – 2022 bị ô nhiễm nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ, mức độ ô nhiễm tăng cao, đặc biệt vào mùa khô; chất lượng nước sông bị ô nhiễm mức độ khác nhau khi chảy qua các địa phương thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải.

Nguyên nhân gây ô nhiễm

Hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô  nhiễm như ngày nay là do nhiều nguyên nhân khác nhau:

Nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn, nguồn gây ô nhiễm chính cho hệ thống Bắc Hưng Hải, nhưng chưa có giải pháp (công trình, hệ thống thu gom, nhà máy máy XLNT), phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường.

Nước thải từ nhiều cụm công nghiệp không có hệ thống xử lý; hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý.

Cùng với đó là ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp, không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật Bảo vệ môi trường, vẫn còn hiện tượng xả trộm, xả nước thải chưa qua xử lý/xử lý chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định, là nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải. 

Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom XLNT sinh hoạt tập trung thường có kinh phí đầu tư lớn, nên nhiều dự án thiếu nguồn lực đầu tư đẫn đến quá trình triển khai chậm.

Cần có những nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể

Theo đại diện Chi cục kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, để có thể giải quyết vấn đề trên cần có những nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tập trung hoàn thành quy hoạch 4 tỉnh, TP trên hệ thống Bắc Hưng Hải; trong đó, lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia, quy hoạch BVMT chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy hoạch được phê duyệt.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung; Rà soát toàn bộ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương… giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

tm-img-alt
Bà Trần Thị Ngọc Linh – Phó Chi Cục trưởng, Chi cục kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

Thứ ba, đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu QCVN về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải, nước mặt tự động, liên tục, nhất là đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn trên hệ thống Bắc Hưng Hải; dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để khai thác, sử dụng theo quy định.

Thứ tư, quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung quản lý các nguồn thải ra HT BHH phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các DA, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về BVMT, đặc biệt là các DA, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra HT BHH.

Thứ năm, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường: Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định.

Thứ sáu, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt là các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân đều nắm các được quy định của pháp luật về BVMT, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong BVMT; Phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng BVMT; kiên quyết đấu tranh, không để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải diễn ra trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, UBND 4 tỉnh liên quan cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng và trình phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó, có bao gồm việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các làng nghề, đô thị, khu dân cư tập trung.

Theo ThS Vũ Quốc Chính – đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam: Cần rà soát qui hoạch hệ thống CTTL BHH; Kiểm soát nguồn thải; Tăng cường công tác cấp phép xả nước thải; Nghiên cứu bổ sung các qui định kỹ thuật về vận hành hệ thống thủy lợi BHH để giảm thiểu ô nhiễm nước và hạn chế các tác hại do ô nhiễm nước gây ra; Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và các ngành liên quan về xử lý nguồn thải phân tán (thuộc diện không phải cấp phép xả thải) trước khi xả vào HTTL BHH); Bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải xả vào trong CTTL vào Tiêu chí Thủy lợi trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM cấp xã; Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác kiểm soát nguồn thải, bảo vệ chất lượng nước trong HTTL Bắc Hưng Hải; Tăng cường kinh phí để tiếp tục quan trắc, dự báo chất lượng nước trong CTTL BHH; Huy động sự tham gia của cộng đồng vào QLMTN trong HTTL; Tăng quyền cho cộng đồng; Nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng.

Nói về công nghệ xử lý nước thải nhằm đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Muốn hệ thống sông Bắc Hưng Hải không ô nhiễm thì nước thải từ các nguồn đưa vào phải đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ cũng phải phù hợp với thực tiễn.

tm-img-alt
GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Theo PGS.TS Vũ Hào Quang – Ủy viên tư vấn khoa học, giáo dục, môi trường, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Quản lý và đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông và hệ thống sông Bắc Hưng Hải cần được chia ra 2 cấp độ: Cấp độ nhà nước về quản lý chất lượng môi trường nước và việc thanh, kiểm tra, giám sát phải phát huy được hiệu quả.

Nói về vai trò của truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống khẳng định: công tác truyền thông có vai trò nâng cao nhận thức của người dùng, doanh nghiệp và người vận hành hệ thống nước thải. Khi nhận thức thay đổi, hành vi xả thải ra môi trường, đặc biệt là ở khu vực sông Bắc Hưng Hải sẽ được cải thiện.

Riêng đối với tỉnh Hưng yên, ông Ngô Xuân Hiếu – đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho hay: Thời gian qua đã tỉnh cơ bản thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồi thải đối với song Bắc Hưng Hải.

Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch được 451 vị trí để xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu dân cư; hiện còn hơn 400 điểm tới đây sẽ đưa vào quy hoạch tiếp. Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành 02 quy chuẩn 01 và quy chuẩn 02 cho nước thải sinh hoạt và nước thải khu công nghiệp. Đối với việc điều tra nguồn thải thì tỉnh cũng đã phối hợp với Viện Tưới tiêu để thực hiện việc điều tra nguồn thải thừ năm 2013.

Từ những chia sẻ và bàn thảo của các đại biểu tham dự có thể thấy việc giải quyết vấn đề ô nhiễm của hệ thống sông Bắc Hưng Hải cần phải có sự đồng lòng, vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương mới có thể khắc phục được.

Hy vọng thời gian tới, “điểm nóng” ô nhiễm môi trường Bắc Hưng Hải sẽ được giải quyết để đen đến môi trường sống trong lành hơn cho cộng đồng dân cư hai bên bờ.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích