Góp ý dự thảo QCVN về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô
So với quy định hiện hành, Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại xe sử dụng điện, xe thông minh; làm rõ đối tượng áp dụng là xe chưa qua sử dụng; sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ, yêu cầu kỹ thuật (kích thước giới hạn cho phép của xe, số khung, biển số, hệ thống nhiên liệu khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), khung và thân vỏ, đệm, ghế, thùng xe, đèn chiếu sáng… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe, linh kiện của xe và các tổ chức đánh giá sự phù hợp có liên quan.
Về sự cần thiết phải ban hành Thông tư và quy chuẩn, theo Bộ GTVT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô QCVN 09:2015/BGTVT (sau đây viết tắt là QCVN 09) được ban hành ngày 31/12/2015 kèm theo Thông tư số 87/2015/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT có hiệu lực thi hành vào 01/07/2016 nhằm thực hiện việc kiểm tra và chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) đối với xe ô tô. Cho đến nay, QCVN 09 áp dụng được 8 năm đã phát sinh một số vấn đề mới cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tăng cường kiểm soát chất lượng ATKT&BVMT đối với xe ô tô, bảo đảm hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
Ảnh minh hoạ
Cụ thể, một số nội dung cần được xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế như sau: Khi xây dựng QCVN 09 đã tham khảo tiêu chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn của một số quốc gia nhưng một số nội dung vẫn cần sửa đổi, bổ sung, thay thế để cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; phù hợp với thực tế kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT&BVMT; thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Với sự phát triển của Việt Nam và nhu cầu của xã hội đã phát sinh ra nhiều kiểu loại phương tiện giao thông mới chưa được đề cập trong QCVN09:2015 (VD: Mobil-Home, xe buýt học sinh). Bên cạnh đó, xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, Chính phủ các quốc gia đều có xu hướng chung là tích cực thay đổi các chính sách để đầu tư phát triển xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (VD: từ năm 2035 đối với các nước Châu Âu, v.v..). Nằm trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam hiện đang phát triển nhanh các loại xe ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh; phát triển các loại xe hybrid, phương tiện giao thông thông minh (Xe lái tự động và xe tự hành). Do vậy, cần rà soát cập nhật, bổ sung quy định đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ phương tiện, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATKT&BVMT đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với các khối quốc gia Châu Âu (EVFTA , Vương Quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA), Châu Á Thái Bình Dương (APEC), hay khối ASEAN. Việc tham gia các hiệp định cần thiết phải xây dựng, hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn và hài hòa với mặt bằng kỹ thuật phương tiện chung của thế giới.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến yêu cầu kỹ thuật; phương pháp kiểm tra, thử nghiệm; mở rộng thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Một số nội dung yêu cầu trong bản đăng ký thông số kỹ thuật nêu tại các Phụ lục liên quan đến Bản đăng ký thông số kỹ thuật phục vụ riêng công tác thử nghiệm (không liên quan đến kiểu loại) gây khó khăn khi xác định kiểu loại xe để thử nghiệm và chứng nhận. Nhiều nội dung thuộc về tính năng kỹ thuật không thể kiểm tra thực tế, chỉ xác định qua tài liệu do nhà sản xuất cung cấp. Vì vậy, các phụ lục này cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp; Cập nhật một số nội dung về an toàn linh kiện cho phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Phong Lâm