Góp ý Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Góp ý Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép UBND TP.HCM quyết định quy mô dân số phục vụ lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu…
Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép UBND TP.HCM quyết định quy mô dân số phục vụ lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, cần quy định chặt chẽ để bảo đảm giá trị pháp lý của đồ án quy hoạch phân khu và tính thống nhất với đồ án quy hoạch chung.
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đã trao một số cơ chế đặc thù cho TPHCM và những chính sách đặc thù này đã tạo động lực mới, tích cực để một đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước tăng tốc phát triển.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 54 thời gian qua chưa mang lại kết quả như mong đợi và đề nghị UBND TPHCM cần phân tích sâu các nguyên nhân, tiếp thu các ý kiến góp ý để xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trình Quốc hội.
Theo góp ý mới đây của Bộ Xây dựng, về nội dung phân cấp cho UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ một số đồ án quy hoạch xây dựng, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp cho UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ một số đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nội dung này cần chỉnh lý tương tự như các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành trong thời gian qua như các Nghị quyết số 35/2021/QH15, 36/2021/QH15, 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021, 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022, 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương đề xuất cho phép UBND TP.HCM xem xét quyết định quy mô dân số phục vụ công tác lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch phân khu, đảm bảo phù hợp quy mô dân số dự báo đến năm 2040 theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021 trong giai đoạn đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố.
Tuy nhiên, quy định này cần rà soát, quy định chặt chẽ để bảo đảm giá trị pháp lý của đồ án quy hoạch phân khu và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với đồ án quy hoạch chung sẽ được phê duyệt theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được phê duyệt tại Quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021.
Đề nghị cân nhắc lại đối với đề xuất được phép đồng thời lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng cùng một lúc đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội vì nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được phê duyệt là cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.
Về nội dung phân cấp thực hiện điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (NƠXH) và điều chỉnh mục đích xây dựng nhà ở, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh mục tiêu dự án ĐTXD nhà ở thuộc trường hợp được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư, đầu tư công.
Việc xem xét, quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án được thực hiện khi xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công.
Riêng đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến Bộ KH&ĐT đối với việc phân cấp cho UBND TP.HCM điều chỉnh mục tiêu dự án ĐTXD nhà ở khi xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công.
Đối với trường hợp điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, NƠXH, điều chỉnh mục đích xây dựng nhà ở mà không thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đề nghị rà soát, đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng đối với đề xuất phân cấp cho UBND TP.HCM thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đấu giá, đấu thầu, đầu tư… và không làm thất thu, thất thoát ngân sách, tài sản của Nhà nước, tránh những hệ lụy phát sinh trên thực tế.
Về nội dung phân cấp lựa chọn hình thức đóng góp linh hoạt để đầu tư phát triển NƠXH, tổ chức sắp xếp, hoán đổi các khu đất riêng lẻ có chức năng NƠXH để tập trung quỹ đất xây dựng khu NƠXH, Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương phân cấp cho UBND TP.HCM lựa chọn hình thức đóng góp linh hoạt để đầu tư phát triển NƠXH, tổ chức sắp xếp, hoán đổi các khu đất riêng lẻ có chức năng NƠXH để tập trung quỹ đất xây dựng khu NƠXH nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập trên thực tế hiện nay.
Về đề xuất thẩm quyền của HĐND TP.HCM phân công một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức, việc đề xuất HĐND TP.HCM quyết định việc phân công một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức cần cân nhắc kỹ, tránh vi phạm nguyên tắc quản lý thống nhất về ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương và không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được bổ sung nhiệm vụ.
Về đề xuất thành lập Đội trật tự xây dựng và đô thị TP Thủ Đức, Bộ Xây dựng thống nhất đề xuất thành lập Đội trật tự xây dựng và đô thị TP Thủ Đức trực thuộc UBND TP Thủ Đức trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức (hiện nay trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) và Đội trật tự đô thị.
Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về thời hạn thực hiện thí điểm và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thành lập Đội trật tự xây dựng và đô thị TP Thủ Đức tương tự như quy định về thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 và Quyết định số 36/2020/QĐ-TTg ngày 09/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đề xuất Quốc hội bổ sung vào nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP. Thủ Đức; trong đó, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP.HCM cho TP. Thủ Đức.
Về số lượng biên chế hành chính, TP.HCM kiến nghị Trung ương cho phép Thành phố được chủ động giao biên chế đối với Uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức như: Bố trí số lượng biên chế khối chính quyền TP. Thủ Đức năm 2025 tối đa 3/4 số lượng biên chế được giao của ba quận trước khi hợp nhất (quận 2, 9 và Thủ Đức) và giảm dần qua từng năm. Tăng số lượng phó chủ tịch uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức không quá bốn người.
Sau khi TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo báo cáo thực hiện Nghị quyết 54 và dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Thành phố HCM sẽ kỳ vọng Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết mới vào cuối năm 2022./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị