Góp ý của tỉnh Bình Dương vào dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

Góp ý của tỉnh Bình Dương vào dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

MTĐT –  Thứ ba, 12/10/2021 09:25 (GMT+7)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có văn bản góp ý, đề xuất một số nội dung vào dự thảo Nghị định.

tm-img-alt
Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Phú Giáo ngày càng được quan tâm, chú trọng

Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản góp ý, đề xuất sau:

1. Về giải thích từ ngữ (Điều 3)

a) Tại Khoản 3 quy định “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong khu dân cư, làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư, làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường lặp lại nhiều lần, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục được”:

– Đề nghị định lượng rõ đối với thuật ngữ “lặp lại nhiều lần” là lặp lại bao nhiêu lần để thuận tiện và thống nhất trong quá trình triển khai và thực hiện. Đề xuất là từ 02 lần trở lên.

– Đề nghị làm rõ “khu dân cư” trong định nghĩa trên được hiểu như thế nào vì theo Luật Nhà ở năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2015 không có quy định về khu dân cư. Đề xuất nên thay bằng khu nhà ở, khu đô thị,…

b) Tại Khoản 4: đề nghị bổ sung định lượng về khí thải và chất thải rắn cho Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân (vì dự thảo chỉ mới định lượng về nước thải là chưa đầy đủ). Đối với khí thải đề xuất là dưới 50m3/giờ, chất thải rắn phát sinh dưới 01 tấn/ngày.

c) Khoản 14, 15 của dự thảo Nghị định có định nghĩa về chất thải rắn thông thường và chất thải rắn sinh hoạt, để đầy đủ hơn đề nghị bổ sung giải thích thêm về “chất thải rắn công nghiệp thông thường”.

d) Khoản 23, khoản 24: đề nghị bổ sung thêm “Cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền” trong nội dung định nghĩa về cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường, cơ quan thường trực thẩm định cấp giấy phép môi trường.

2. Về bảo vệ các thành phần môi trường (nước, không khí, đất) tại mục 1, 2, 3 của dự thảo Nghị định; Bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy

a) Đề nghị hướng dẫn thống nhất về trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt và không khí vì đây là 02 thành phần môi trường quan trọng như nhau nhưng dự thảo Nghị định quy định chưa thống nhất nhau (tại điểm a Khoản 1 Điều 4 quy định đánh giá hiện trạng diễn biến chất lượng môi trường nước mặt giai đoạn tối thiểu 03 năm gần nhất nhưng tại điểm a Khoản 1 Điều 6 quy định đối với môi trường không khí là 05 năm gần nhất; đối với môi trường nước mặt quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện các Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt nhưng môi trường không khí lại không quy định; điểm c Khoản 1 Điều 9 quy định trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn góp ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhưng đối với kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt lại không quy định thời gian cụ thể,….).

b) Hiện nay, một số địa phương định kỳ 05 năm theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đều xây dựng và ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường 05 năm và đều thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện kế hoạch. Do đó, đề nghị bổ sung quy định đối với các địa phương đã có Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường 05 năm có thể lồng ghép Ban chỉ đạo của Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, không khí và Kế hoạch bảo vệ môi trường 05 năm để chỉ đạo thực hiện chung.

c) Điểm d Khoản 2 Điều 8 về nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh có yêu cầu “Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng: thông tin về số ca nhập viện, số ca tử vong, các bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí; phân tích mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và các bệnh có liên quan; đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe người dân tại địa phương”. Đây là nội dung đánh giá mang tính chất khoa học và cần có các chuyên đề, đề tài khoa học mới đánh giá được chính xác. Do đó, đề nghị bỏ nội dung này trong Nghị định hướng dẫn.

d) Khoản 3 Điều 13 dự thảo Nghị định quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, phê duyệt dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm môi trường thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng thuộc đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải gửi phương án xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực đất bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định này tới Bộ Tài nguyên và Môi trường để có ý kiến trước khi phê duyệt”. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 19 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này”. Do đó, quy định trên của dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

e) Khoản 4 Điều 46 của dự thảo Nghị định đưa ra 02 phương án về “Trình tự, thủ tục đăng ký nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất POP”, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đề nghị quy định theo phương án 2.

3. Về phân vùng môi trường, đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường

a) Về phân vùng môi trường: tại Điểm a Khoản 4 Điều 21 quy định Vùng hạn chế phát thải bao gồm: “Vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt quy định tại khoản 3 Điều này (nếu có)”. Việc xác định dự án nằm gần khu vực nhạy cảm như quy định trên là rất khó vì không có cơ sở để xác định khoảng cách là bao nhiêu.

b) Về phân loại dự án đầu tư: đề nghị bổ sung một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong Phụ lục 6, cụ thể như sau:

– Bổ sung ngành nghề Chế biến gỗ: quy mô lớn (từ 3.000m3 gỗ/năm trở lên), quy mô trung bình (từ 1.000m3/năm đến dưới 3.000m3/năm gỗ), quy mô nhỏ (dưới 1.000m3 gỗ/năm).

– Bổ sung ngành nghề Sản xuất sơn, dung môi: quy mô lớn (từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên), quy mô trung bình (từ 1.000 tấn sản phẩm/năm đến dưới 10.000 tấn sản phẩm/năm), quy mô nhỏ (dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm).

– Bổ sung ngành nghề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng: quy mô lớn (từ 500.000m3 nguyên khai/năm trở lên), quy mô trung bình (từ 100.000 000m3 nguyên khai/năm đến dưới 500.000m3 nguyên khai/năm), quy mô nhỏ (dưới 100.000 000m3 nguyên khai/năm).

– Bổ sung thêm đối tượng thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường: quy mô lớn (từ 05 tấn/ngày trở lên), quy mô trung bình (từ 01 tấn/ngày đến dưới 05 tấn/ngày), quy mô nhỏ (dưới 01 tấn/ngày).

– Đối với ngành nghề giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp: đề nghị quy định riêng quy mô đối với gia súc và gia cầm. Đối với ngành nghề chăn nuôi gia súc quy mô công nghiệp, đề nghị không quy định theo số lượng động vật hoang dã.

– Đối với ngành nghề “Chế biến mủ cao su”: đề nghị bổ sung thêm “Chế biến mủ cao su hoặc các sản phẩm từ cao su”.

– Đối với ngành nghề sản xuất phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học: đề nghị bỏ “trừ loại hình sản xuất theo phương pháp phối trộn”,

c) Điều 29 của dự thảo Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp Giấy phép môi trường cho các loại đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, để dễ theo dõi và thực hiện, đối với Khoản 2, 3, 4 đề nghị sắp xếp lại thứ tự các khoản theo nhóm: (1) dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, (2) dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, (3) cơ sở đang hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

d) Tại Điểm b Khoản 2 Điều 38 của dự thảo Nghị định quy định “Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án phải được gửi cho cơ quan cấp giấy phép môi trường, trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chủ dự án phải gửi đồng thời kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; trường hợp cơ quan cấp giấy phép môi trường là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì chủ dự án phải gửi đồng thời kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện nơi triển khai dự án để phối hợp, giám sát”

Đồng thời Điểm a Khoản 5 Điều 38 của dự thảo cũng quy định trong quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải chủ dự án có trách nhiệm “Phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi triển khai dự án đối với dự án thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép môi trường để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm; trường hợp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm”

Việc quy định chủ dự án thuộc thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải gửi Kế hoạch vận hành thử nghiệm cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được kiểm tra, giám sát là chưa phù hợp. Đề nghị đối với các dự án do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường thì quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và giải quyết các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành thử nghiệm (thông qua Cục Bảo vệ môi trường các miền thuộc Tổng cục Môi trường). Vì hiện nay nhân lực của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh còn thiếu, năng lực và trình độ có hạn nên việc kiểm tra, giám sát và giải quyết các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành thử nghiệm của các dự án lớn do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép gặp nhiều khó khăn. 

Tương tự đề nghị điều chỉnh nội dung về vận hành thử nghiệm đối với nhóm đối tượng thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại và nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất vì nhóm đối tượng này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

e) Khoản 8 Điều 38: đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép môi trường sau khi tiếp nhận báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm của chủ dự án (hình thức trả lời của cơ quan có thẩm quyền đối với báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm).

4. Về quản lý chất thải, BVMT đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và các hoạt động khác; BVMT trong nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, nhập khẩu phế liệu.

a) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 thì “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành nghề trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”. Tuy nhiên tại Khoản 1 Điều 56 thì “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, làm cơ sở để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo từng thời kỳ phát triển của đất nước”. Do đó, đề nghị thống nhất lại đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác để lập, điều chỉnh, bổ sung Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

b) Đối với nội dung tại Khoản 1 Điều 57: tương tự như góp ý nội dung cấp Giấy phép môi trường phía trên, đề nghị đối với các cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép môi trường thì Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và giao cho Cục Bảo vệ môi trường các miền thuộc Tổng cục Môi trường “tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”.

c) Khoản 2 Điều 59 dự thảo quy định “Các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp gần nhau có thể kết hợp sử dụng chung hạ tầng bảo vệ môi trường”. Đề nghị bỏ nội dung này vì trong thực tế khó xác định được như thế nào là gần và không thể đánh giá được khả năng đáp ứng hạ tầng của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

d) Đối với Khoản 8 Điều 59 về trách nhiệm của Chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp: đề nghị bổ sung yêu cầu phải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước thải để giám sát, theo dõi lưu lượng nước thải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp.

e) Khoản 9 Điều 59 “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Nghị định này nằm ngoài khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định tại khoản 6 Điều này” không thuộc quy định tại Điều 59 – Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Do đó, đề nghị điều chuyển vào mục quy định về phòng ngừa ứng cứu sự cố cho phù hợp.

g) Tại Khoản 11, 12 Điều 59 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quá trình phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền đối với các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung chưa phù hợp theo thẩm quyền tại Điều 39 của Luật Đầu tư 2020, đề nghị chỉnh sửa lại cho thống nhất.

h) Theo Khoản 4 Điều 53 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng. Tuy nhiên, Điều 62 dự thảo Nghị định chỉ quy định chung là khoảng cách an toàn phải tuân thủ theo các quy định chuyên ngành hoặc quy hoạch xây dựng. Việc quy định như vậy là chưa rõ theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nên đề nghị cần chi tiết hóa hơn về nội dung của quy định này. 

Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều này quy định “Khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu từ nguồn phát thải trong điều kiện hoạt động bình thường của cơ sở sản xuất và kho tàng thuộc danh mục theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Nghị định này đến ranh giới công trình nhà ở hợp pháp gần nhất của khu dân cư nông thôn tập trung, nội thành, nội thị của các đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị để đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”. Trường hợp dự án có diện tích rộng, có nhiều nguồn thải thì dựa vào nguồn thải nào để xác định khoảng cách an toàn. Trường hợp, nếu xác định được khoảng cách an toàn thì diện tích đất thuộc khu vực an toàn đó cần phải quy định chủ dự án được sử dụng vào mục đích gì để tránh lãng phí.

5. Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu trong tái chế, xử lý chất thải; phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường

a) Khoản 1 Điều 66 của dự thảo quy định “Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Trên thực tế tại các địa phương chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được bù đắp thông qua ngân sách địa phương, nên việc quy định khối lượng dưới 300 kg/ngày là rất lớn (tương đương khoảng số lượng công nhân viên khoảng 300 người, nếu tính mỗi người phát sinh khoảng 01kg/ngày, theo đó quy mô hoạt động không phải là quy mô của hộ gia đình). Do đó, đề nghị điều chỉnh lại tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đối với Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp là dưới 50 kg/ngày.

b) Đề nghị điều chỉnh lại mốc thời gian đối với các dự án, cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 118, Điều 119 đã đi vào vận hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn thành việc truyền trực tiếp số liệu quan trắc nước thải tự động (Khoản 3 Điều 118); quan trắc bụi, khí thải tự động (Khoản 3 Điều 119), liên tục đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 vì các nhóm đối tượng này đã được gia hạn nhiều lần.

c) Đề nghị quy định rõ vị trí lắp đặt camera theo dõi trong hệ thống quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục quy định tại Khoản 3 Điều 119.

d) Đối với cột 3 Phụ lục 73 Dự án đầu tư, cơ sở thuộc danh mục các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có các thiết bị xả bụi, khí thải với lưu lượng lớn: tai số thứ tự 15, 16 của bảng danh mục, đề nghị tính luôn đối với lò hơi dự phòng vì rất khó để kiểm soát thời gian hoạt động đối với thiết bị dự phòng (hoạt động không quá 30 ngày trong 01 năm)./.

Ngô Quang Sự
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích