Gồng mình dọn rác trên vịnh Hạ Long

Gồng mình dọn rác trên vịnh Hạ Long

Trước những phản ứng đến từ du khách phải “ngắm” rác khi tham quan di sản, Quảng Ninh đã huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên, doanh nghiệp và cả ngư dân cùng thu gom rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long.

Rác bủa vây di sản

Hơn một tháng nay, vịnh Hạ Long ngập tràn rác thải là các loại phao xốp. Tùy theo thủy triều và hướng gió, rác sẽ xuất hiện nhất định trong một khoảng thời gian và vị trí. Có nhiều khu vực rác tập trung rộng cả ngàn mét vuông mặt nước. Tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt vịnh không những gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn giao thông đường thủy mà còn gây bức xúc cho khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín của khu di sản.

Lý giải điều này, Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, phần lớn phao xốp này do các hộ dân nuôi trồng thủy sản xả ra biển trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè. Thời gian qua, các địa phương của Quảng Ninh đã huy động nhân lực, phương tiện, ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm những hộ nuôi trồng thủy sản tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông đường thủy.

Gồng mình dọn rác trên vịnh Hạ Long ảnh 1
Quảng Ninh huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên, doanh nghiệp và cả ngư dân cùng thu gom rác trôi nổi trên vịnh Hạ Long

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngay sau khi Quảng Ninh siết chặt tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, hàng trăm lồng bè nuôi hàu, hà trên vịnh của ngư dân bắt buộc phải tháo dỡ. Trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè, các địa phương không thực hiện các biện pháp kiểm soát, thu gom chất thải phát sinh dẫn đến tình trạng phát tán nhiều rác thải, phao xốp, gây sự cố môi trường khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch quốc gia.

Ngày 15/3/2023, Trung tâm Di sản thế giới có văn bản gửi quốc gia thành viên Việt Nam phản hồi về hiện trạng bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, trong đó, gửi kèm thư của khách du lịch quốc tế phản ánh tình trạng rác thải trôi nổi quá nhiều trên vịnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm chuyến du lịch của họ.

Ông Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn 2, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, trước tình trạng rác thải tràn ngập vịnh, đơn vị phải huy động mọi nguồn lực từ các phòng, ban của Ban Quản lý vịnh, Cty cổ phần Công viên cây xanh và các doanh nghiệp, chủ tàu trên vịnh để thu gom rác. Các tàu chạy liên tục để vận chuyển rác vào bờ, mỗi ngày thu gom hàng tấn phao xốp. Kích thước các loại phao xốp rất cồng kềnh khiến việc thu gom khá vất vả.

Ông Căn cũng bày tỏ mong muốn các địa phương như thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên sẽ phối hợp thu gom phao xốp trên địa bàn, lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản để hạn chế tối đa lượng rác thải trôi nổi đến vịnh Hạ Long vì mỗi một mình Ban Quản lý vịnh không thể kiểm soát nổi tình trạng rác xâm hại di sản.

Cần xử lý tận gốc

Ngay khi xuất hiện tình trạng này, từ ngày 24/3, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã huy động 25 tàu, xuồng, đò và gần 100 người vớt rác tại tất cả các luồng, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long. Sau khi thu gom, lượng rác thải được đưa vào bờ tập kết để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên tình trạng rác bủa vây di sản không được cải thiện vì lượng rác từ các địa phương vẫn không được kiểm soát, thu gom từ nguồn, rác thải chủ yếu là phao xốp và bè mảng nuôi trồng theo dòng chảy từ các khu vực thuộc Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn đổ về vịnh Hạ Long ngày càng nhiều với số lượng lớn, đặc biệt tại các tuyến, điểm tham quan.

Trước tình trạng trên, sáng 8/4, UBND thành phố Hạ Long đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung kích, người dân và doanh nghiệp, cùng gần 30 phương tiện tàu, xuồng ra quân thu gom rác từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang hồ Động Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm.

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND dân thành phố Hạ Long, cho biết, thời gian thực hiện đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố diễn ra đến hết ngày 20/4. Sau đợt cao điểm, tiếp tục duy trì bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố từ ngày 21/4-31/12/2023 và các năm tiếp theo.

Kế hoạch được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về bảo vệ môi trường; tạo động lực mạnh mẽ đối với các tập thể, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích