Gỡ vướng đấu giá trực tuyến
Không bắt buộc phải thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn tại Nghị định số 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP của Chính phủ;
Dự thảo Luật đề xuất sửa quy định về tiền đặt trước với đấu giá quyền sử dụng đất. Ảnh: VGP |
Đồng thời, quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đây cũng được xem là giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản Nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định bắt buộc phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để thực hiện đấu giá trực tuyến mà nên để người có tài sản lựa chọn, vì hiện nay đã có hơn 15 tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến được phê duyệt.
Việc quy định bắt buộc như trên là chưa phù hợp với chủ trương xã hội hoá, chưa bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng và có thể dẫn đến tình trạng các Trang thông tin đấu giá trực tuyến của các tổ chức đấu giá tài sản đã xây dựng, vận hành nhưng không còn được sử dụng, gây lãng phí cho xã hội vì tài sản đấu giá hiện nay chủ yếu là tài sản công.
Về bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng điều này là cần thiết, nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề (kỹ năng, nghiệp vụ…), góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên. Nội dung chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp mà người muốn trở thành đấu giá viên chưa được học ở giai đoạn đào tạo đại học.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý về nội dung thông tin về tài sản. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, nếu không ghi rõ thông tin về tài sản, nhất là bất động sản (ví dụ như bất động sản nhưng không ghi số nhà, tên đường, phố, chỉ ghi lô thứ mấy, thửa thứ mấy, tờ bản đồ số mấy ở bản đồ của địa chính) thì có thể dẫn đến thông tin không minh bạch. Cuối cùng, tài sản tuy giá trị nhưng thông tin viết như vậy nên không biết nằm ở đâu, dẫn đến định giá rẻ, đấu giá rẻ…
Hay quy định “tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có tài sản đấu giá và 2 lần trên Cổng thông tin đấu giá quốc gia”. Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, quy định công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương, nhưng vừa phải thông tin ở báo, đài ở địa phương thì mới rộng rãi, càng thông tin rộng rãi thì quyền của người dân có tài sản càng được đảm bảo.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, về đấu giá được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến, tinh thần Chính phủ trình và quan điểm của Bộ Tư pháp là không bắt buộc tất cả các tài sản công phải thực hiện đấu giá qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mà theo phương án “hữu xạ tự nhiên hương”. Hiện bây giờ đã có chừng 10 -15 trang đấu giá trực tuyến đang làm, người có tài sản được quyền chọn, chứ không nên áp người ta phải chọn cái này hay chọn cái khác.
Cân nhắc nâng mức tiền đặt trước
Về việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều này là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.
Theo Báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.
Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng; đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.
Dự thảo Luật cũng quy định tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Theo đó, trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật về khoáng sản; đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Nếu đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thì tiền đặt trước được tính căn cứ vào băng tần, số lượng khối băng tần đăng ký mua và giá khởi điểm cao nhất của khối băng tần trong mỗi băng tần đăng ký mua theo tỷ lệ tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Không phân biệt tài sản công hay tài sản tư Dự thảo Luật quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư. Đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 (tài sản công) thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thực hiện đấu giá theo trình tự, thủ tục do Luật Đấu giá tài sản quy định. Đối với tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4 (tài sản tư) thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có thể thỏa thuận với người có tài sản đấu giá áp dụng toàn bộ hoặc các điều, khoản, điểm cụ thể về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản, tương tự như quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật Đấu thầu năm 2023. |
Phương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô